Xuất khẩu rau, quả sẽ 'bùng nổ' nhờ mở cửa xuất khẩu chính ngạch thành công
Tín hiệu xuất khẩu rau quả trong tháng đầu năm rất tốt. Theo các chuyên gia dự báo, năm 2023, ngành rau, quả sẽ 'bùng nổ' nhờ mở cửa xuất khẩu chính ngạch thành công hàng loạt mặt hàng chủ lực.
Đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường tăng từ 20 - 30%
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kết thúc tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu (XK) rau, quả đạt 300 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ngay những ngày đầu năm mới, nhiều đơn hàng XK rau, quả sang các thị trường đã tăng từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ngành rau, quả cũng liên tiếp đón tin vui khi một số loại hoa quả được cấp phép XK vào những thị trường lớn. Điển hình, ngày 3/1 tại Long An, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023; ngày 5/1, sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã được doanh nghiệp thu mua và XK lần đầu tiên sang Anh với khối lượng 7 tấn… Trước đó, cuối tháng 11/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam XK bưởi Bến Tre sang thị trường Mỹ. Dự báo trái bưởi sẽ mang lại giá trị XK lớn nhất nếu so với 6 loại quả đã được mở cửa sang Mỹ trước đó là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho hay, dù nhiều dự báo trước đó về vấn đề lạm phát, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường XK sụt giảm, song tín hiệu thị trường XK đầu năm lại rất tốt. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã đăng ký với doanh nghiệp đối tác tại thị trường Trung Quốc XK 1.500 container sầu riêng. Bên cạnh đó, đơn hàng XK sang thị trường Mỹ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, đơn hàng XK sang thị trường châu Âu vẫn duy trì.
Tương tự, bà Ngô Thị Thu Hồng – Giám đốc Công ty cổ phẩn Ameii Việt Nam chia sẻ, so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng XK của doanh nghiệp tăng khoảng 30%. Cùng với các loại rau củ, Ameii Việt Nam cũng đang XK các loại trái cây như sầu riêng, chanh không hạt sang thị trường châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc. Với các thị trường như Nhật Bản, EU, khách hàng thu mua định kỳ hàng tuần từ 1 – 3 tấn/tuần.
Cơ hội bứt phá
Với đà tăng trưởng đó, các chuyên gia dự báo, năm 2023, rau, quả tiếp tục có nhiều lợi thế XK với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD. Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch XK trái cây sẽ cán mốc 5 tỷ USD.
Theo đánh giá của Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, năm 2023 ngành XK rau, quả của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, những khó khăn về logistics được tháo gỡ, cước vận chuyển được dự báo có chiều hướng giảm… chắc chắn sẽ tác động tích cực đến XK hàng rau, quả của Việt Nam.
Ngành hàng rau, quả cũng đang tận dụng ngày một tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland;…, nên cơ hội XK rau, quả sang các thị trường lớn như EU, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand… cũng rất rộng mở. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT), cho rằng năm 2023 ngành rau, quả cần tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam để đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn, khai thác các thị trường mới. “Đơn cử, đối với thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ tiếp tục với sản phẩm trái cây có múi như cam, bưởi. Với thị trường Mỹ là sản phẩm chanh dây, dừa; chanh, nhãn có lợi thế phát triển ở Nhật Bản… giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn thị trường XK” - ông Hiếu nói.
Sản phẩm chế biến tăng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, cơ cấu chủng loại rau, quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng. Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá, ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2022; tiếp theo là chủng loại chế biến từ trái dừa, trái cây các loại, hạt dẻ cười, dứa…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường "khó tính". Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Cục đã xây dựng website: sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để đăng tải thông tin dữ liệu cơ sở từ vùng trồng, đóng gói… nhanh nhất tới người sử dụng, đồng thời xây dựng tài liệu tập huấn, video, sách nói…
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau, quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải duy trì được chất lượng, an toàn thực phẩm để giữ được thị trường.