Xuất khẩu sản phẩm cơ khí có 'bột mới gột nên hồ'

Giá trị xuất khẩu (XK) sơ mi rơ moóc sang Mỹ của một 'ông lớn' nội địa trong 2 năm tới sẽ đạt trên 560 triệu USD, là minh chứng cho thấy 'mỏ vàng' XK sản phẩm cơ khí là rất lớn. Điều quan trọng, các doanh nghiệp Việt cần biết cách đầu tư và khai phá, được ví như 'có bột mới gột nên hồ'.

215 triệu USD là giá trị của hợp đồng XK 15.500 sơ mi rơ moóc trong năm 2022 của CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) sang thị trường Mỹ cho phía đối tác vừa ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối là tập đoàn PITTS Enterprises.

Điểm sáng xuất khẩu sơ mi rơ moóc

Không những vậy, giá trị XK sơ mi rơ moóc từ Việt Nam sang Mỹ sẽ được nâng lên hơn 350 triệu USD trong năm 2023. Tức là tổng doanh số mà PITTS Enterprises cam kết phân phối trong 2 năm 2022 - 2023 là 40.500 sơ mi rơ moóc của Việt Nam có giá trị lên đến 565 triệu USD.

Điểm sáng xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ đến từ một “ông lớn” nội địa trong ngành cơ khí.

Điểm sáng xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ đến từ một “ông lớn” nội địa trong ngành cơ khí.

Để đáp ứng sản lượng lớn XK sơ mi rơ moóc tại thị trường Mỹ, cũng như xuất sang các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Australia… Thaco Industries (đơn vị thành viên của Thaco) sẽ đầu tư xây dựng mới Nhà máy Sơ mi rơ moóc và Cấu kiện nặng có công suất 20.000 sản phẩm/năm.

Như chia sẻ của ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Thaco Industries, chiến lược của phía doanh nghiệp (DN) là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài ngành ô tô.

Theo ông Tâm, nhu cầu về gia công và chế tạo sản phẩm cơ khí khu vực ASEAN và thế giới hiện rất lớn. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất cơ khí - công nghiệp nặng từ các nước phát triển sang ASEAN và Việt Nam cũng tạo ra dư địa lớn cho các ngành này.

Thời gian qua, phía DN này đã XK các sản phẩm cơ khí như: Thùng xe chuyên dụng, khuôn công nghiệp, hệ thống ròng rọc, hệ thống phun sương, bồn nhiên liệu, xe đẩy công nghiệp… sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Campuchia… Đặc biệt, sơ mi rơ moóc là sản phẩm XK chiến lược của DN đã được xuất sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan.

Điều ấn tượng là trước những áp lực bủa vây của đại dịch Covid-19, nhà máy của DN này vẫn duy trì sản xuất, cung ứng đều đặn ra thị trường. Như trong năm 2021 sản xuất cơ khí đã tăng gấp đôi năm 2020, nhất là XK.

Còn hiện tại, phía DN đang tập trung sản xuất các đơn hàng lớn thời điểm cuối năm, đồng thời tiếp tục đàm phán các dự án mới sang Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và nghiên cứu phát triển các sản phẩm XK mới như thùng tải lửng, hệ thống thông gió cho hầm mỏ, hệ thống quạt hút công nghiệp cho nhà xưởng, cẩu trục, băng tải và các sản phẩm cơ khí dân dụng…

Có thể nói những thông tin khả quan nêu trên được kỳ vọng sẽ mang lại bộ mặt tươi sáng cho ngành cơ khí Việt, đặc biệt là trong hoạt động XK. Điều quan trọng, như ví von của giới chuyên gia, đó là “có bột mới gột nên hồ”.

Có nghĩa là các DN trong ngành cần có nguồn vốn mạnh và chú trọng đầu tư vào công nghệ, cũng như phát triển đa dạng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Luẩn quẩn “bài toán” đầu tư

Riêng với phân ngành cơ khí ô tô, cách đây 2 tháng, khi thông báo về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2023 thuộc lĩnh vực cơ khí, Bộ Công Thương có nhấn mạnh là cần tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ XK.

Trong việc XK sản phẩm cơ khí sang các thị trường lớn như hiện nay thì vai trò của các DN lớn nội địa có tiềm lực mạnh là rất quan trọng. Bởi lẽ, với những DN lớn như vậy mới có đủ nguồn tài chính để đầu tư công nghệ, chuẩn hóa sản phẩm từ nguyên liệu, sản xuất đến giá thành và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối.

Đặc biệt là DN phải biết cách ứng dụng công nghệ 4.0 một cách phù hợp. Trong đó, việc tập trung sản xuất hàng loạt, tự động hóa nhưng theo yêu cầu riêng lẻ của khách hàng quốc tế là vô cùng cần thiết.

Trong khi đó, ngoại trừ một số tên tuổi lớn của nội địa (điển hình như Thaco), với các DN khác trong ngành này thì việc đầu tư một nhà máy chế tạo cơ khí trong điều kiện hiện nay, nếu đầu tư từ khâu đầu đến cuối đòi hỏi nguồn vốn rất lớn là cả “bài toán” luẩn quẩn.

Đây chính là một trong các lý do dẫn đến tình trạng Việt Nam còn thiếu sản phẩm cơ khí mang thương hiệu “tên tuổi” khi XK. Theo giới chuyên gia, mặt hạn chế của các DN nội trong ngành này là nguồn tiền hạn hẹp.

Để XK sản phẩm cơ khí vào những thị trường lớn thì điều đầu tiên đòi hỏi các DN phải đầu tư dây chuyền thiết bị, phải sản xuất ra sản phẩm mẫu, sau đó đưa sản phẩm cho phía đối tác kiểm tra. Nếu đối tác thấy sản phẩm hợp lý thì mới tiến đến sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, kinh phí đầu tư của các DN cơ khí lại không có đủ để sản xuất ra các sản phẩm cơ khí như vậy.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cho lĩnh vực này so với các nước khác trong khu vực vẫn chưa như mong mỏi của giới DN cơ khí. Như vậy, sẽ khó cho các DN có thể đầu tư dây chuyền thiết bị để sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ cho XK ở thị trường lớn.

Như chia sẻ của ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Tp.HCM (Hamee), trong bối cảnh phục hồi sản xuất thời điểm cuối năm 2021, tuy vốn vay ngân hàng được giảm lãi suất nhưng thực ra vẫn quá ít ỏi, chỉ bình quân 0.5%/năm thì không mang ý nghĩa nhiều. Vấn đề còn lại là DN phải tự thân vận động, phải tìm các giải pháp của riêng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-san-pham-co-khi-co-bot-moi-got-nen-ho-1082830.html