Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp: Làm sao để vượt qua rào cản thương mại

Niềm vui đang lan tỏa khắp các bản làng ở Mường Ảng, Điện Biên khi giá cà phê tươi bất ngờ tăng vọt từ 8-10 nghìn đồng/kg lên 16-17 nghìn đồng/kg. Với nhiều hộ nông dân, đây được xem là một 'mùa bội thu'. Ông Nguyễn Văn Hải, một nông dân ở xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng chia sẻ: 'Gia đình tôi rất phấn khởi vì giá cà phê năm nay cao hơn hẳn so với mọi năm. Số tiền thu được sẽ giúp chúng tôi trang trải cuộc sống và đầu tư cho vườn cà phê'.

Những mùa bội thu…

Ông Hoàng Văn Tiến - một nông dân ở thị trấn Mường Ảng, đã gắn bó với vườn cà phê hơn nửa đời người. Những cây cà phê, giờ đây đã trở thành những người bạn đồng hành, chứng kiến bao mùa mưa nắng. Nhờ kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm và áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến, vườn cà phê 10 ha của ông luôn cho năng suất cao, trung bình mỗi năm đạt khoảng 140 tấn quả tươi. Với giá cà phê đang tăng cao như hiện nay, ông Tiến dự kiến thu nhập từ vườn cà phê sẽ vào khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nói về thành công của mình, ông Tiến chia sẻ: "Trước đây, khi giá cà phê bấp bênh, nhiều nông dân đã từng nản lòng. Nhưng với sự kiên trì và tình yêu dành cho cây cà phê, tôi đã vượt qua những khó khăn. Giờ đây, khi mà thành quả lao động được đền đáp xứng đáng, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc".

Giá cà phê tăng mạnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp huyện Mường Ảng. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định tiềm năng lớn của cây cà phê và là động lực để địa phương tiếp tục đầu tư, phát triển loại cây trồng này.

Không giấu nổi niềm tự hào khi chia sẻ về những thành quả đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp trong 10 tháng qua, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Sản lượng lúa đạt con số kỷ lục 40,5 triệu tấn, vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của bà con nông dân và các doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất". Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 12%, lâm sản tăng gần 20%, nông sản tăng gần 26%. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 - 55 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn có thể. "Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay", ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi

…“vướng” rào cản

Ngoài cà phê chúng ta xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác như rau, sầu riêng, thanh long, hạt điều… đặc biệt ngành lúa gạo Việt Nam đang ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ nông sản thế giới, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu. Tuy nhiên, để nâng tầm vị thế và duy trì đà phát triển bền vững, ngành hàng này vẫn còn những thách thức cần giải quyết như sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thu nhập nông dân chưa cao và sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Các chuyên gia nhận định, việc thiếu một chiến lược phát triển đồng bộ, đầu tư chưa tương xứng và sự phối hợp yếu kém giữa các bên liên quan đang là những rào cản lớn.

Hay như mặt hàng gỗ, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, mặt hàng gỗ và lâm sản, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; thặng dư xuất khẩu 11,75 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trước những biến động phức tạp của thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và xung đột chính trị đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung gỗ trong nước. Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phòng Chế biến và thương mại lâm sản - Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam hiện khai thác hơn 20 triệu m³ gỗ từ rừng trồng sản xuất mỗi năm, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu gỗ nguyên liệu của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, chất lượng và quy cách của gỗ trồng trong nước hiện nay còn hạn chế, chủ yếu là gỗ nhỏ, chỉ phù hợp cho sản xuất dăm gỗ và viên nén. Điều này đặt ra bài toán nan giải cho các doanh nghiệp muốn nâng cao giá trị sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Việt Nam đang đối mặt với một bài toán nan giải: các thị trường xuất khẩu gỗ lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng siết chặt yêu cầu về gỗ hợp pháp và chứng chỉ rừng bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam nâng cao giá trị và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chi phí để đạt được chứng chỉ rừng bền vững khá cao, đặc biệt đối với hàng triệu hộ nông dân sở hữu những diện tích rừng nhỏ lẻ. Làm thế nào để giúp họ tiếp cận được nguồn vốn và kỹ thuật cần thiết đang là một câu hỏi lớn.

Trước những thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và nhu cầu lương thực tăng cao, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi. Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo chính là "cánh cửa" để ngành nông nghiệp nước ta thoát khỏi tình trạng manh mún, lạc hậu và vươn lên tầm cao mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào lĩnh vực nông nghiệp là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực chế biến, mà còn tạo ra một sân chơi lành mạnh để các doanh nghiệp trong nước cùng nhau phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-san-pham-nong-nghiep-lam-sao-de-vuot-qua-rao-can-thuong-mai-157662.html