Xuất khẩu sang Mỹ từ nay đến cuối năm thuận lợi
Dự báo, xuất khẩu nhiều nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sang Mỹ từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi khi nhu cầu tiêu dùng tăng và các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024.
Cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi. Đây là thông tin được Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các thị trường chia sẻ tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang 113 nước với thị trường chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Ngành đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. Để gia tăng xuất khẩu dệt may thời gian tới, đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... nhằm định hướng cho doanh nghiệp", ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas đề nghị.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho hay: "Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu đông đang đến cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024"
Lưu ý về chính sách của Mỹ, ông Hưng nói: "Doanh nghiệp cần đề ý quy định liên quan đến Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), phối hợp với Bộ Công thương, Thương vụ phản ánh kịp thời với Cơ quan Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu".
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với hàng hóa nước ta, nhất là sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như điện tử, dệt may, giày dép. Theo đó, bất kỳ sự thay đổi về chính sách nếu không được cập nhật kịp thời sẽ làm lỡ cơ hội xuất khẩu hoặc cản trở hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong nước.
Do đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- túi xách Việt Nam (Lefaso) đề xuất Thương vụ cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng này, cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng…
Năm ngoái, chịu ảnh hưởng của thị trường tiêu dùng sụt giảm, xuất khẩu giày dép đạt 20,2 tỷ USD, trong đó có 7,16 tỷ USD xuất sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 35,4% xuất khẩu mặt hàng giày dép.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ..
Để hỗ trợ các ngành hàng tận dụng tối đa cơ hội tăng xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nói sẽ tăng kết nối, giới thiệu đối tác, tổ chức tham dự Hội chợ chuyên đề như: Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện Hamee tham dự Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago vào tháng 9/2024; phối hợp Tập đoàn THACO nghiên cứu hướng mở Văn phòng đại diện tại Mỹ, đa dạng hóa đối tác thu mua sản phẩm sau khi đã xuất khẩu sản phẩm chủ lực Sơ-mi Rơ-móc sang Mỹ..
Ngoài thị trường Mỹ, đà tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo sang Australia cũng được dự báo khả quan.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia thông tin: "Tại Australia, sản phẩm chế biến chế tạo Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh…) rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phầm “Made in Vietnam” thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn như JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA…".
Dù các quy định, rào cản kỹ thuật rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU, nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu tận dụng được hệ thống FTA với Australia để xuất khẩu.
"Trong bối cảnh hàng Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh về chế biến chế tạo như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh để đi đường dài", ông Hòa nói.
Hiện, Australia có 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới; trong đó, có EU; các FTA đều mang lại nhiều ưu đãi cho các đối tác khác của Australia.
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp đang khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 7,54% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Hoàng Long cho rằng: "Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... ".
Khó nữa là doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).
Ông Long đề nghị phải có các giải pháp gỡ khó kịp thời, khẩn trương từ các đơn vị, cơ quan Thương vụ để ngành hàng tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2024, tiến tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-sang-my-tu-nay-den-cuoi-nam-thuan-loi-d221120.html