Xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan lo sợ 'vỡ bong bóng'
Thái Lan, quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới, đang bước vào giai đoạn 'mùa thu hoạch vàng' từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh nước này đang đứng trước những nỗi lo về nhu cầu và tính bền vững của thị trường,
Tại trang trại sầu riêng Petmunee ở tỉnh Chanthaburi, khu vực đông bắc Thái Lan, các công nhân đang bận rộn thu hoạch quả để kịp các chuyến hàng. Cô Tucksymone Petmunee, 29 tuổi, cho biết khu vườn rộng 32ha của gia đình cô dự kiến sẽ thu được khoảng 200 tấn sầu riêng giống monthong trong mùa này, theo Straits Times.
Cô chia sẻ rằng: "Công việc kinh doanh sầu riêng của chúng tôi đang ngày càng phát triển. Nhưng liệu điều này có kéo dài không? Thành thật mà nói, tôi đang băn khoăn".
Loại quả “được lòng” thị trường tỷ dân
Nhu cầu sầu riêng Thái Lan đã tăng vọt ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khiến quốc gia này trở thành nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, với 90% sản lượng sầu riêng của Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc, quốc gia này đã tiếp nhận hơn 875.000 tấn trái cây với trị giá 109,2 tỷ Baht (3,12 tỷ USD) vào năm ngoái. Dòng xuất khẩu này dự kiến sẽ tăng 9,8% trong năm nay và có thể đạt giá trị 120 tỷ Baht (3,43 tỷ USD).
Hầu hết các trang trại tại Thái Lan hiện tập trung vào việc trồng giống monthong (có nghĩa là “gối vàng” trong tiếng Thái), vì đây là loại được ưa chuộng ở Trung Quốc. Anh Nutchanok Kitchagarn, 33 tuổi, cho biết đây cũng là loại sầu riêng "thân thiện với người mới ăn" nhất vì có vị ngọt và béo.
Với giá bán buôn trung bình khoảng 140 Baht (4 USD)/kg, có thời điểm chạm ngưỡng 200 Baht (5,72 USD), sầu riêng được coi là loại cây “hái ra tiền” cho Thái Lan. Diện tích đất trồng sầu riêng đã tăng vọt từ 96.000ha năm 2012 lên 152.000ha vào năm 2019, theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan. Cơ quan này cũng dự báo, sản lượng sầu riêng có thể đạt 1,4 triệu tấn trong năm nay, tăng 17% so với năm trước.
Nhiều người nông dân Thái Lan đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sầu riêng để nắm bắt thị hiếu của thị trường. “Vì nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ và mang lợi nhuận cao, gần 80% nông dân ở Chanthaburi đã chuyển từ trồng cây cao su sang cây sầu riêng”, nhà môi trường Somnuck Jongmeewasin cho biết.
Nỗi lo mang tên “vỡ bong bóng sầu riêng”
Tuy nhiên, một số trang trại của Thái Lan hiện chỉ xuất khẩu sầu riêng độc quyền sang Trung Quốc, mà không tiến tới các thị trường nhỏ lẻ khác. Bà Patchaya Khiaophan, Phó chủ tịch mảng Marketing của Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan (TDA), cho biết: “Vì mùa thu hoạch chỉ diễn ra một lần trong năm nên người nông dân trồng sầu riêng sẽ thiệt hại rất nhiều nếu nhu cầu từ thị trường giảm”.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” và tăng cường kiểm tra các container tại khu vực cửa khẩu đã khiến các lô hàng xuất khẩu của Thái Lan gặp khó khăn hơn. Nếu tìm thấy mầm bệnh dịch, lô trái cây sẽ bị tiêu hủy và tạm đóng cửa biên giới.
Các nhà chức trách Thái Lan đã khuyến nghị các nhà xuất khẩu sầu riêng và người nông dân cần đảm bảo các lô hàng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng. Tuy nhiên, với nhiều lực lượng tham gia vào quá trình thu hoạch và vận chuyển, nhiều nhà xuất khẩu cho biết khó có thể vượt qua các đợt kiểm tra và còn tốn kém chi phí.
Tai Yang Shen, nhà xuất khẩu sầu riêng Thái Lan, cho biết công ty đã thiệt hại khoảng 2 triệu Baht (57.204 USD) vào tháng 4 khi phát hiện ra virus Covid-19 trên con tàu vận chuyển sầu riêng của họ.
"Chúng tôi đã cố gắng thử cách vệ sinh toàn bộ lô hàng một lần nữa để nó có thể vào cảng hay không, nhưng nó mất quá nhiều thời gian", phát ngôn viên của công ty nói và cho biết thêm rằng lô hàng trên đã phải bị loại bỏ.
Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành các thủ tục giấy tờ tại khu vực hải quan cũng ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Cô Ananya Amornjaturaporn, 29 tuổi, Giám đốc công ty xuất khẩu Yuan Cheng Fresh tại tỉnh Chanthaburi, cho biết: “Chúng tôi đã mất 1 lô sầu riêng khi một chuyến vận chuyển dự tính kéo dài 5 ngày trở thành một cuộc chờ đợi kéo dài 1 tháng rưỡi tại biên giới”.
Công ty trên trung bình chế biến khoảng 30 tấn sầu riêng mỗi ngày. Sầu riêng được hái khi chúng chín khoảng 60% đến 70% và được xử lý để giữ chất lượng và hình thức của quả. Sau đó, chúng được đóng gói và xếp lên các xe tải đông lạnh để vận chuyển.
Ngoài đường bộ, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào cũng được các nhà xuất khẩu sử dụng và hứa hẹn sẽ sớm trở thành tuyến đường xuất khẩu chính trong tương lai. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển cao hơn cũng là một trở ngại.
Nỗ lực xây dựng ngành xuất khẩu bền vững
Chính phủ Thái Lan đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy và đàm phán xuất khẩu sầu riêng và trái cây ra nước ngoài. Quốc gia này cũng đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào các nghiên cứu và phòng thí nghiệm để xây dựng ngành nông nghiệp và xuất khẩu bền vững.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on vào tháng trước đã kêu gọi người trồng tăng cường trồng sầu riêng chất lượng, đồng thời trấn an rằng sẽ không xảy ra tình trạng cung vượt cầu trong thập kỷ tới.
“Bán trái cây cao cấp là cách duy nhất để duy trì lợi thế cạnh tranh của Thái Lan”, chuyên gia thương mại quốc tế Punpreecha Bhuthong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan nhận định.
Ông nói thêm rằng, ngoài việc lo ngại nhu cầu Trung Quốc – thị trường khổng lồ - suy giảm, sầu riêng Thái Lan cũng phải cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam và Campuchia. Điều này có thể khiến loại nông sản mất giá.
"Nhiều nông dân đã đầu tư mọi thứ vào trồng sầu riêng. Nếu giá giảm mạnh, họ sẽ mất tất cả", ông cảnh báo và cho biết rằng viễn cảnh trên có thể xảy ra trong vòng 5 - 10 năm tới nếu vấn đề này vẫn tiếp diễn.
Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan (TDA) đã cố gắng giúp người trồng tìm cách giảm chi phí sản xuất bằng việc áp dụng công nghệ canh tác hiện đại và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho trái cây.
Hiện nay, một tỷ lệ nhỏ sầu riêng Thái Lan được xuất khẩu sang các nước khác như Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Chính quyền Thái Lan cũng muốn mở rộng xuất khẩu trái cây sang các thị trường mới ở Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Punpreecha nói rằng điều này có thể khó khăn do đặc điểm “độc nhất” của sầu riêng. "Nếu bạn thích hương vị sầu riêng, bạn sẽ yêu nó ngay. Nếu không, bạn sẽ ghét nó. Vì vậy, không dễ dàng để so sánh quy mô các thị trường khác với Trung Quốc”, ông cho biết.