Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt 300 triệu USD trong năm 2024

Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD ngay trong năm 2024 nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy định xuất khẩu.

Tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, được tổ chức sáng nay (19/9), ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh, nghị định được ký kết có ý nghĩa rất lớn đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam, hứa hẹn đột phá kim ngạch xuất khẩu trái cây này trong thời gian tới. Với nghị định thư vừa được ký kết, với năng lực hiện tại và nhu cầu thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngay trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài. Sầu riêng đông lạnh có thể xuất khẩu qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Năm 2024, Việt Nam có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Năm 2024, Việt Nam có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, sầu riêng cấp đông Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải được nhận diện và chuẩn bị ứng phó. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại Nghị định thư vừa ký kết. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để bảo đảm không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng; cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của Trung Quốc; chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm việc truy xuất khi có yêu cầu; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thông tin chi tiết về quy định của nghị định thư, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, sầu riêng đông lạnh Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.

Sầu riêng được đông lạnh ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong ít nhất 1 giờ cho đến khi nhiệt độ lõi đạt -18°C hoặc thấp hơn và được duy trì mức nhiệt độ lõi từ -18°C trở xuống hoặc thấp hơn trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - " Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh" (CAC/RCP 8-1976).

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải được lựa chọn để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất.

Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát. Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải đảm được đăng ký với hải quan Trung Quốc.

Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Trên mỗi hộp phải dán nhãn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh gồm tên sản phẩm; xuất xứ; tên và mã số đăng ký của cơ sở sản xuất hoặc chế biến; tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và dòng chữ "This product is being exported to the People's Republic of China", ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.

Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu khi có sầu riêng thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì các yếu tố lợi thế về chi phí logistics và vị trí địa lý gần sẽ bị loại bỏ so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Malaysia.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-co-the-dat-300-trieu-usd-trong-nam-2024-1102477.html