Xuất khẩu sầu riêng: Không thỏa hiệp để phát triển bền vững
8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) sầu riêng đã lập kỷ lục mới khi cán mốc 1,2 tỷ USD, tăng gấp gần 3 lần so với cả năm 2022. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng tăng trưởng nóng; tranh mua tranh bán và chất lượng không bảo đảm đang đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hàng tiềm năng này.
“Tự thua” trên “sân nhà”
Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, XK sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức, ông Y Djoang Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những lợi thế của cây sầu riêng, trên địa bàn huyện Krông Pắc đã xuất hiện hiện tượng tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua, ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… Tình trạng này có thể dẫn đến việc mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, hiện HTX mới chỉ bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn sầu riêng. “Rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng, nhưng không quan tâm đến mã số vùng trồng (MSVT). Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi XK mà không quan tâm đến MSVT thì họ nói là việc mua bán MSVT giờ quá đơn giản” - ông Chiến bức xúc.
Theo ông Chiến. các DN trong nước đang “đánh nhau” và “tự thua” trên “sân nhà”: “Có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Họ chỉ ngồi quán cà phê, DN trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân” - ông Chiến phản ảnh.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP HCM) cho biết, Tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng MSVT, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trải qua các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và DN đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.
“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15 - 20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng các thương lái, “cò” đã ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân. Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, “cò” sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới người dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi” - ông Trung nói.
Mặt khác, khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng…, ảnh hưởng đến chất lượng quả sầu riêng…
Tái cấu trúc ngành hàng bền vững
Chủ trì Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức…”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và DN.
“Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, DN, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng” - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương kêu gọi.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Công nghệ Auto Agri, áp lực thị trường, nguồn cung hàng hóa đang tạo tiêu cực trong vấn đề cấp MSVT trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. “Song trong giai đoạn này nếu làm theo mong muốn của tất cả mọi người trong ngành sầu riêng thì ngành sẽ rất khó khăn. Do đó, các bên liên quan bớt “bức xúc”, nhịn lại để cùng nhau bảo vệ tài sản, ngành sầu riêng” - bà Thực đề nghị. Đồng thời nhấn mạnh, nông dân, HTX, DN không thỏa hiệp với vấn đề tiêu cực,
“Để ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững, có nhiều điều cần làm, song có một điều chúng ta cần làm và thống nhất ngay, đó là không thỏa hiệp với những vấn đề tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín của ngành hàng sầu riêng Việt Nam” - ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk quả quyết.