Xuất khẩu sụt giảm - bài toán không dễ của Trung Quốc

Số liệu thương mại mới nhất cho thấy Trung Quốc khó có thể dựa vào thị trường xuất khẩu sang các nước láng giềng khi kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Hàng hóa được xếp tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng hóa được xếp tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu thương mại mới nhất cho thấy Trung Quốc khó có thể dựa vào thị trường xuất khẩu sang các nước láng giềng khi kinh tế toàn cầu giảm tốc.

*Xuất khẩu giảm sút

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tính trên cơ sở khu vực. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây, trong tháng Năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á đã giảm 16% so với một năm trước, kéo xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc đi xuống.

Cũng trong tháng trước, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tính trên cơ sở quốc gia - giảm 18% so với một năm trước tính theo giá trị USD. Theo số liệu hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng Năm có trị giá 42,48 tỷ USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang Đông Nam Á với trị giá 41,49 tỷ USD.

Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại JLL nhận định thị trường Đông Nam Á không thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thương mại được đánh giá là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.

Tao Wang, nhà kinh tế tại ngân hàng UBS Investment Bank nhận định xuất khẩu vẫn đóng góp khoảng 18% nền kinh tế Trung Quốc, song thấp hơn nhiều so với mức đóng góp khoảng 30% trước đây.

*Kinh tế Mỹ và ASEAN đều giảm tốc

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở Mỹ và Đông Nam Á, không phải là tín hiệu tốt cho triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong một báo cáo mới đây, nhà kinh tế Lloyd Chan tại Oxford Economics, dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, khi kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm và sức ép giảm bớt tình trạng tích trữ trên toàn cầu tiếp tục tăng.

Các doanh nghiệp tại Mỹ cũng đang phải giải quyết tình trạng hàng tồn kho cao không bán được trong nửa cuối năm ngoái do lạm phát cao.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Mỹ dự kiến sẽ giảm từ 2,1% năm 2022 xuống còn 1,6% trong năm nay.

IMF cũng dự báo kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,6% trong năm nay, giảm so với tốc độ 5,7% của năm ngoái.

Theo tính toán của CNBC, Mỹ và ASEAN đều chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Năm.

Các nhà phân tích của Nomura cảnh báo trong tương lai, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ giảm hơn nữa do sự sụt giảm sản xuất toàn cầu và các biện pháp trừng phạt thương mại từ phương Tây.

*Chiến lược thương mại khu vực

Tình trạng sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc diễn ra giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa có diễn biến mới và Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy thương mại với các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Jack Zhang, Trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Kansas, ước tính các đơn hàng xuất sang Mỹ đặc biệt là hàng hóa trung gian như linh kiện máy móc sẽ có giá cao hơn 20-25%.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại với các nước đang phát triển đã trở nên cấp thiết hơn đối với Trung Quốc, khi thị trường Mỹ đóng cửa và thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc gặp khó khăn sau xung đột tại Ukraine (U-crai-na).

Bên cạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của ASEAN cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia (Ôx-trây-li-a) và New Zealand (Niu Di-lân) được ký kết vào năm 2020, Trung Quốc cho biết họ cũng muốn tham gia một khối thương mại khác là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Zhang cho rằng RCEP đã thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với ASEAN, cũng như sự chuyển dịch của một số ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động sang khu vực này.

Ngoài việc tăng cường đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc cũng đang khám phá các FTA với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)./.

Trà My (Theo CNBC)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-sut-giam-bai-toan-khong-de-cua-trung-quoc/294299.html