Xuất khẩu tăng nhưng vẫn còn nhiều lo ngại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 8 tỷ USD, tăng hơn 21% so cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so kế hoạch năm... Đây được coi là một bức tranh sáng về xuất khẩu, sau thời gian dài gặp khó do thị trường trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn sản xuất cầm chừng do chưa có nhiều đơn hàng dài hạn và thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn định...

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn sản xuất cầm chừng do đơn hàng ngắn hạn và thị trường chưa thực sự ổn định.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn sản xuất cầm chừng do đơn hàng ngắn hạn và thị trường chưa thực sự ổn định.

Hai thị trường tăng mạnh là Mỹ (đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6%) và Trung Quốc (đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%). Trong tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản, thì xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã tăng mạnh trở lại, là nhờ nhu cầu tăng tại các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính.

Tại thị trường Mỹ, chính phủ nước này đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đây đã hết, khu vực này cũng bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

Theo các chuyên gia, tình hình chưa thật sự khả quan khi các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 50-70%. Đơn hàng ngắn, thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, các khách hàng lại luôn đưa ra yêu cầu giảm giá. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện thêm với khó khăn.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn sản xuất cầm chừng do đơn hàng ngắn hạn và thiếu tính ổn định. Trong bối cảnh còn khó khăn chung, việc các doanh nghiệp xuất khẩu quay trở lại thị trường trong nước cũng không dễ, do thị trường bất động sản chưa tăng trưởng mạnh, nhu cầu về gỗ chưa cao, trong đó có cả thị trường gỗ công nghiệp cung cấp cho chung cư. Do đó, giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra lúc này đó là cố gắng duy trì đơn hàng và tìm kiếm thị trường mới để nâng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm.

Để tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp trong báo cáo sơ kết của mình đã nhận định, sẽ triển khai tổng thể các giải pháp, trong đó, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững.

Chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản bảo đảm đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 mà ngành đã đề ra.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xuat-khau-tang-nhung-van-con-nhieu-lo-ngai-post817340.html