Xuất khẩu tăng trưởng ngay từ tháng đầu năm

Trên nền tảng tăng trưởng bền vững của năm 2022, xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng dương ngay từ tháng đầu của năm 2023 với mức tăng trưởng đạt 5,4% so với cùng tháng năm trước. Điều này tiếp tục mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2023 với những mục tiêu cao hơn.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Vienergy Ninh Bình, Khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình).

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Vienergy Ninh Bình, Khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình).

Nhìn lại kết quả của các ngành kinh tế trong năm 2022 cho thấy, hoạt động xuất khẩu luôn có sự tăng trưởng ổn định, mặc dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ dịch bệnh và bất ổn địa chính trị ở một số nước trên thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục có tăng trưởng khá, ước đạt trên 3.150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 112,5% kế hoạch năm. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh như: linh kiện điện tử, xi măng - clanke, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này tạo đà vững chắc cho sự tăng trưởng của ngành thương mại trong tỉnh.

Tuy nhiên, bước sang tháng đầu của năm 2023, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 1 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng mới, thiếu linh kiện, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Bên cạnh đó, tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 20 đến hết ngày 26 tháng 1/2023), hầu hết các doanh nghiệp đều sắp xếp công việc, bố trí thời gian để cán bộ, công nhân nghỉ Tết theo đúng quy định.

Trên bình diện cả nước, hoạt động xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, theo đó giá trị xuất khẩu tháng 1 đã giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Song tại Ninh Bình, trên nền tảng tăng trưởng bền vững của năm 2022, xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng dương ngay từ tháng đầu của năm. Ước tính giá trị xuất khẩu tháng 1/2023 đạt trên 272,5 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng tháng năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn trong tháng gồm: quần áo các loại đạt 23,3 triệu USD; xi măng và clanke 62,4 triệu USD; camera và linh kiện đạt 68,1 triệu USD; giày dép đạt 79,9 triệu USD; linh kiện điện tử đạt 7,6 triệu USD; phôi nhôm 5,1 triệu USD...

Trong tháng 1 năm nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng khá so với cùng tháng năm trước như: xi măng, clanke 1,6 triệu tấn, gấp gần 2,1 lần; hàng thêu ren 14,1 nghìn chiếc, tăng 66,9%; sản phẩm cói 106,3 nghìn sản phẩm, tăng 6,5%; kính quang học 100 nghìn chiếc, tăng 25,6%; túi nhựa 170,6 tấn, tăng 4,6%. Một số mặt hàng giảm về lượng, tuy nhiên giá trị xuất khẩu vẫn tăng như: giày dép các loại, đồ chơi trẻ em. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có sự sụt giảm lớn so với cùng kỳ như: dứa, dưa chuột đóng hộp 885,5 tấn, giảm 14,7%; nước dứa cô đặc 100 tấn, giảm 13%; quần áo các loại 6,3 triệu chiếc, giảm 37,9%; thảm cói 12,3 nghìn m2 , giảm 48,9%; camera và linh kiện 26,5 triệu sản phẩm, giảm 17,7%; đồ chơi trẻ em 656,2 nghìn chiếc, giảm 16,9%...

Trên phương diện quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương đã thông báo về thay đổi chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và thông quan từ phía Trung Quốc gửi các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cung cấp thông tin về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có lịch sử xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong tháng, Phòng Xuất, nhập khẩu đã tiếp nhận và cấp 416 bộ C/O tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan của Bộ Công Thương tiếp tục phổ biến cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… đến các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân dưới nhiều hình thức. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký.

Theo dự báo năm 2023, tình hình trong nước và thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để từ đó tìm ra hướng đi và cơ hội, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Trong đó phải kể đến việc các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng.

Trong bối cảnh đó, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,25 tỷ USD, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như: linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, giày dép, may mặc… gắn với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các FTA thế hệ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, triển khai song song kênh xuất khẩu truyền thống và kênh xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba.

Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng một cách bền vững, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, vừa tạo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu, vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của các FTA. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu…, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử tạo môi trường chuyên nghiệp, minh bạch. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến.

Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh. Trong đó, trọng tâm là hình thành các khu sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ; hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hàng nông sản xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xuat-khau-tang-truong-ngay-tu-thang-dau-nam/d2023021708398438.htm