Xuất khẩu thực phẩm vào thị trường lớn vẫn chờ chuyển biến ở doanh nghiệp Việt
Dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm là thế mạnh của Việt Nam vào những thị trường lớn ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ... còn rất lớn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần chủ động chuyển biến về mặt chất lượng sản phẩm, nâng tính cạnh tranh, nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng quốc tế trong lúc này.
Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, cho biết đi một vòng các chuỗi siêu thị và đại siêu thị tại Pháp thì thấy không hề có bất cứ mặt hàng hạt điều nào dưới thương hiệu hạt điều của Việt Nam.
Những “khoảng trống mênh mông”
Trong khi đó, hạt điều Việt đang chiếm đến 50% thị phần tại Pháp. Từ việc không bắt gặp bất kỳ thương hiệu hạt điều Việt nào tại các siêu thị Pháp, sẽ thấy tính cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở khâu xuất khẩu (XK), bán sỉ và chưa chú trọng đến phát triển thương hiệu nhằm tăng cường giá trị gia tăng cho thực phẩm Việt.
Nêu ra vấn đề trên, như lưu ý của ông Sơn, việc đặt mục tiêu nâng giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản thực phẩm Việt sẽ củng cố cho tính cạnh tranh của DN. Đó là xu thế bắt buộc mang tính bền vững cho các DN Việt khi nhắm đến XK, đòi hỏi phải hết sức quan tâm trong thời gian tới.
Cũng theo vị Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, chúng ta đã có sản phẩm tốt rồi, nhưng vẫn còn hạn chế về kiến thức, mức độ hiểu biết và cách tiếp cận thị trường. Nhất là nhiều DN Việt chưa có sự quan tâm và đầu tư lâu dài mang tính bền vững.
Chẳng hạn như trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại thị trường lớn như Châu Âu hiện nay thì đồ ăn vặt và đồ ăn nhẹ bổ dưỡng ngày càng tăng. Đặc biệt là đối với đồ ăn nhẹ có lợi cho sức khỏe, kết hợp với nhu cầu nguồn cung ổn định và bền vững.
Theo dự báo, dư địa ở phân khúc thị trường này trong các năm tới là rất lớn. Đây cũng là động lực cho các DN Việt nhắm tới để chinh phục. Điều quan trọng là họ cần nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng đó, có sự chuyển biến về mặt sản phẩm để có thể đáp ứng được nhu cầu đó.
Còn với thị trường Châu Á, những dự báo gần đây của hãng PwC, Rabobank và Temasek cho thấy, người tiêu dùng châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi các khoản chi tiêu cho thực phẩm vào năm 2030. Theo đó, chi tiêu cho thực phẩm trong khu vực châu Á sẽ đạt hơn 8 nghìn tỷ đô la vào đầu thập kỷ tới, so với con số 4 nghìn tỷ USD hồi năm 2019.
Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới và dư địa lớn của thị trường ở Châu Á sẽ tạo ra những “khoảng trống mênh mông” cho các DN Việt trong việc đưa ra các lựa chọn sản xuất lành mạnh và bền vững hơn.
Ở góc độ DN, sau khi tham dự một hội chợ thực phẩm tiêu dùng hàng đầu Châu Á được tổ chức mới đây ở Thái Lan, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), cho biết điều quan tâm chung của khách hàng quốc tế chính là chất lượng sản phẩm. Nhu cầu tiêu dùng của họ ngày càng cao, đòi hỏi nhiều về mặt chất lượng.
Cơ hội không tự đến
“Cho nên, nhất là đối với các sản phẩm chế biến đòi hỏi phía DN cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giữ được chất lượng sản phẩm tốt nhất có thể. Có như vậy thì DN mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng quốc tế”, ông Thịnh nói.
Còn theo Ts. Nguyễn Thị Quý Phương, Giám đốc Công ty QP Food, xu hướng sản xuất cũng như tiêu dùng các sản phẩm chế biến trên thị trường quốc tế đang nổi lên 2 xu hướng rõ rệt. Thứ nhất là người tiêu dùng quốc tế có ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm đối với môi trường. Thứ hai là sự đòi hỏi gắt gao của khách hàng đối với chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
Bàn về dư địa XK thực phẩm Việt ở các thị trường lớn, giới chuyên gia nhấn mạnh dư địa còn rất nhiều, nhưng để tận dụng được thì đòi hỏi hàng Việt phải có sự chuyển biến tích cực về tính cạnh tranh, chất lượng, về thương hiệu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới…
Đơn cử như với thị trường Canada ở Bắc Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm nay, XK của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,53 tỷ USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á. Thế nhưng dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada.
Câu hỏi đặt ra là thị trường Canada vốn là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và có nhu cầu nhập khẩu lớn, thế nhưng tại sao thị phần hàng hóa nông sản thực phẩm của Việt Nam ở thị trường này đến nay vẫn chưa nhiều? Nhất là khi Chính phủ Canada vẫn đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và họ xem Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Châu Á.
Hoặc như Braxin được xem là một thị trường lớn hàng đầu tại Nam Mỹ. Mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam rất được người tiêu dùng Braxin quan tâm, thế nhưng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Braxin. Đây cũng là một dấu hỏi cho các DN Việt về việc chưa tận dụng được dư địa ở thị trường Braxin nói riêng và cho các quốc gia khác ở Nam Mỹ nói chung.
Trong khi đó, theo các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, sau đại dịch Covid-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh.
Do vậy, đây chính là cơ hội cho các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm - một ngành có thế mạnh của Việt Nam. Và cơ hội sẽ không tự đến nếu như không có chủ động chuyển biến từ phía DN Việt trong lúc này.