Xuất khẩu thủy sản 2024 chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, sẵn sàng cho mục tiêu 11 tỷ USD trong 2025
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc (Chủ tịch Vasep) cho rằng kết quả 10 tỷ USD thủy sản đạt được trong năm 2024 cho thấy các doanh nghiệp đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo Hiệp hội Chế biến Thủy sản (Vasep), trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá tra cũng ghi nhận tăng trưởng khoảng 9% lên 2 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep cho rằng những con số trên thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
"Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Những bước tiến này đã và đang khẳng định vị thế của ngành thủy sản Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế", bà Sắc nói.
Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều ghi nhận tín hiệu khá tích cực. Xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm bán buôn tại Mỹ chứng kiến mức tăng khá trong tuần thứ 2 của tháng 12. Vasep cho biết giá tăng có thể do lo ngại về việc vận chuyển và chi phí nói chung cao hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhu cầu mua sắm và tiêu thụ trong kỳ nghỉ tại Mỹ được dự kiến tăng trưởng tích cực.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm phục vụ Tết Nguyên đán làm tăng nhập khẩu tôm của thị trường này, khiến thị trường này vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.
Đối với mặt hàng cá tra, Việt Nam nhận được thông tin tích cực từ Mỹ khi mức thuế chống bán phá giá của nhiều doanh nghiệp ở mức 0 USD. Theo đó, kết luận sơ bộ của POR 20 cho thấy 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc nhận mức thuế chống bán phá giá là 0 USD/kg. 6 doanh nghiệp còn lại đều đủ điều kiện được nhận mức thuế riêng rẽ ở mức 0 USD/kg. Kết quả sơ bộ trên khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam khi cả 8 công ty trong cuộc rà soát đều nhận mức thuế 0 USD/kg. Mức thuế trên đã giảm so với mức thuế chính thức của cuộc rà soát POR19 trước đó là từ 0 đến 0,18 USD/kg.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” hay “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ tốt lên, các đơn hàng sẽ tăng lên vì Việt Nam - Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện, chưa kể có những chính sách riêng về thuế.
Tuy nhiên, theo Vasep, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh mạnh với các loài cá thịt trắng khác.
“Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có những tính toán cho hướng đi mới đa dạng hơn, chủ động hơn để giữ vững và phát triển thị phần của ngành hàng cá tra Việt trên trường quốc tế", Vasep cho biết.
Tại Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024 do Vasep tổ chức tối 23/12,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: "Kết thúc một năm nhiều thách thức, xung đột và bất ổn chính trị ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới dẫn đến lạm phát tăng cao, thất nghiệp tăng, kinh tế nhiều nước bất ổn, tác động từ rào cản của thị trường ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó những khó khăn về môi trường, dịch bệnh, thiên tai nói chung, đặc biệt là cơn bão Yagi (Bão số 3) đã gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản, ảnh hưởng đến hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn hecta, hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp và bà con nông-ngư dân, tuy nhiên toàn ngành đã vượt qua, duy trì tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu".
Thứ trưởng cũng cho biết, mục tiêu trong năm 2025 và thời gian tới của ngành thủy sản sẽ là giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ.
"Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phân, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế....", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng thông tin: "Thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa để phát triển còn rất lớn bởi theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ước tính thị trường cho thủy sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD".
"Vấn đề cấp bách hiện nay là biến mong muốn, tầm nhìn thành những kế hoạch, hành động cụ thể; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến những cam kết hợp tác thành những kết quả, sản phẩm cụ thể. Bởi đứng trước một xu thế phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững trên thế giới hiện nay, Việt Nam cũng cần nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi để bắt kịp thời cơ. Yêu cầu đặt ra là làm sao để phát triển công nghệ nuôi trồng hiện đại, giảm tác động tới môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, áp dụng công nghệ sinh học để cải thiện giống thủy sản; làm sao để đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, nhất là các sản phẩm thủy sản sạch, hữu cơ để thâm nhập các thị trường cao cấp; cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số và thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản nói chung và thủy sản nói riêng", đại diện Bộ Ngoại giao nói.