Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng hồi phục từ quý II/2023

Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2023 vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022, cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn kỳ vọng cơ hội phục hồi từ quý II/2023, do một số thị trường tiềm năng có nhu cầu cao.

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng hồi phục từ quý II/2023. Ảnh: NNK

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng hồi phục từ quý II/2023. Ảnh: NNK

Xuất khẩu thủy sản “lao dốc”

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kết thúc tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%; xuất khẩu tôm giảm 46%; xuất khẩu cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, do nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Giá thủy sản xuất khẩu giảm cũng tác động lớn tới giá sản phẩm trong nước. Bộ NN&PTNT cho biết, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu năm chững giá quanh mức 28.500 - 29.000 đồng/kg cho cá cỡ 800g - 1kg.

Đầu tháng, các công ty vẫn thu mua một số ao cá theo hợp đồng đã ký, một số công ty gia công tạm ngưng, hoặc có xu hướng bắt chậm lại trước khi nghỉ Tết Nguyên đán từ giữa tháng và dự kiến mùng 9 âm lịch sẽ sản xuất trở lại.

Giá cá tra giống cỡ 28 - 35 con/kg tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước, đạt mức 35.000 - 37.000 đồng/kg do nhu cầu tìm mua giống của một số doanh nghiệp và hộ nuôi tư nhân có xu hướng tăng trở lại, trong khi tỷ lệ ao nuôi giống trống khá cao do mùa lạnh, nên cá hao hụt nhiều. Nguồn cá giống sau tết khả năng cao vẫn trong tình trạng khan hiếm.

Bên cạnh đó, thị trường tôm nguyên liệu những ngày đầu năm diễn biến chậm do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua hàng chậm lại vì chuẩn bị cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán vào giữa tháng. Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu ở mức 20 - 50 con/kg đang tăng 10 - 40.000 đồng/kg, nhất là đối với tôm sú sống (oxy) do nhu cầu tiêu thụ cao ở phân khúc nhà hàng, cũng như nhu cầu trong dân tăng cao.

Cá tra được đánh giá là mặt hàng có cơ hội phục hồi cao trong quý II/2023. Ảnh: NNK

Cá tra được đánh giá là mặt hàng có cơ hội phục hồi cao trong quý II/2023. Ảnh: NNK

Trong "nguy có cơ"

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn.

Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu… Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này, mà cả các thị trường khác trên thế giới khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.

Theo Vasep, việc điều chỉnh và tối ưu hóa các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch trên chuỗi thực phẩm lạnh nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ làm giảm đáng kể tác động của dịch bệnh đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trước sức tiêu thụ thủy sản khổng lồ của Trung Quốc, ngành thủy sản nhập khẩu sẽ phát huy nhiều tiềm năng hơn vào năm 2023.

Đáng chú ý, thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT vừa cho biết, 23 doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và công bố đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến đầu năm 2023, hệ thống hướng dẫn đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ghi nhận 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang nước này.

Trong năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng lý doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc trên hệ thống CIFER, bổ sung sản phẩm vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, phối hợp với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc tiếp tục xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu.

Việc có thêm nhiều doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc ở thời điểm nước này vừa mở cửa kinh tế, hứa hẹn sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường hơn một tỷ dân khởi sắc.

Đối với thị trường Mỹ, theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết - loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa Chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái.

Bên cạnh đó, năm nay Mỹ tăng hạn ngạch cá minh thái thêm 16%, lên gần 1,5 triệu tấn, nhưng chưa thể đáp ứng ngay cho nhu cầu trước mắt. Đối với cá rô phi, chiến tranh thương mại và dịch Covid-19 vẫn phần nào hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Do vậy, cá tra vẫn nhìn thấy điểm sáng tại thị trường này.

Để vượt qua những khó khăn tác động trong năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng cần ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và quản trị hiệu quả hàng tồn kho. Có tới 87% doanh nghiệp thủy sản nhận thức được vấn đề đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, tuy nhiên số doanh nghiệp này cho biết chưa sắp xếp được tài chính nên chưa thể triển khai; chỉ 13% doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực đầu tư ngay.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-ky-vong-hoi-phuc-tu-quy-ii2023-121379.html