Xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 sụt giảm do đâu?
Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt giá trị 1,85 tỷ USD giảm hơn 27% so với quý 1 năm 2022. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến sự sụt giảm này và những diễn biến mới trong hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chế và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo. Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vấn đề giảm giá trị là do nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới. Chi phí sản xuất thủy sản trong nước vẫn ở mức cao do giá thức ăn công nghiệp và vật tư tăng trong khi đơn hàng xuất khẩu ít đi dẫn đến người nuôi và doanh nghiệp đều gặp khó.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho chi phí đầu vào tăng vọt và ở phía thị trường cũng có những cái siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu đông lạnh. Mặt hàng phục vụ cho các nhà máy chế biến, găng tay cao su, bao bì đóng gói đều có giá đầu vào tăng, ngoài ra cũng có khó khăn về nguồn nguyên liệu” - Lê Hằng nói.
Trong 3 tháng đầu năm, Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta lần lượt đạt giá trị là 237 triệu USD và 230 triệu USD. Cả hai thị trương này đều có sự sụt giảm từ 9- 50%. Riêng với thị trường Trung Quốc chỉ giảm giá trị trong tháng 1 còn tháng 2 và tháng 3 đều tăng từ 25-30% so với cùng kỳ.
Ông Ngô Việt Trường, Giám đốc công ty thủy sản Việt Trường cho rằng, hoạt động sản xuất trong nước đã phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ là thị trường tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu dùng ở đây vẫn tăng cao do có những địa phương tại Trung Quốc có đặc thù và thói quen tiêu thụ tương tự như Việt Nam, ưa chuộng hàng thủy sản Việt Nam hơn các nước khác chẳng hạn như mặt hàng chả cá.
“Đối với ở thị trường châu Á đầu ra vẫn tạm ổn với mặt hàng chả cá, Trung Hàn, Nhật mình vẫn đang xuất. Đợt sau dịch Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm chả cá nhiều hơn” - ông Ngô Việt Trường nói.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch công ty thủy sản Thuận Phước, các doanh nghiệp thủy sản cần có giải pháp thích ứng với tình hình. Cần giữ khách hàng nhập khẩu, chấp nhận giảm chi phí sản xuất và lợi nhuận. Tình hình xuất khẩu sẽ có chuyển biến trong các quý tiếp theo khi nhu cầu từ thị trường các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, khối ASEAN gia tăng.
“Hiện nay các doanh nghiệp cũng phải tự mình phát huy thế mạnh của mình tìm những con đường để duy trì lực lượng công nhân, duy trì mối quan hệ với khách hàng, chấp nhận giảm sút về doanh số, lợi nhuận và phải chờ thời cơ thôi bởi vì có những vấn đề khó khăn nó không phải đến từ doanh nghiệp, chính phủ mình mà toàn thế giới nữa” - ông Trần Văn Lĩnh nói.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, mặt hàng hải sản chế biến, hàng thủy sản đưa vào siêu thị các nước sẽ có sự chuyển biến trong các quý tiếp theo.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết: “Khi thị trường Trung Quốc đang có chuyển biến các thị trường khác cũng sẽ có chuyển biến đặc biệt là cho phân khúc hàng siêu thị. Do nó là một sản phẩm thực phẩm thiết yếu”.
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm trong quý 1 năm 2023 có nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm. Thời điểm này các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh thủy sản cần chủ động theo dõi nắm bắt thông tin thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm bằng các biện pháp kỹ thuật công nghệ giúp hạ giá thành tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trong giai đoạn tới đây./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-quy-12023-sut-giam-do-dau-post1014141.vov