Xuất khẩu thủy sản tận dụng 'thời gian vàng giãn thuế' phục hồi mạnh mẽ
Xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2025 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu không đồng đều giữa các sản phẩm và thị trường, trong bối cảnh bất ổn về thuế quan đối ứng từ Hoa Kỳ đang tạo ra nhiều thách thức.
Thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản
Trước thời điểm Mỹ áp thuế mới, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tăng tốc xuất khẩu. Theo Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 4/2025 đạt 850 triệu USD, đóng góp vào tổng giá trị 4 tháng đầu năm lên tới gần 3,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024.
Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp 1,27 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu (EU) và Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu.
Giá tôm sú và tôm chân trắng tại các thị trường lớn như Trung Quốc (9.6 USD/kg và 6.6 USD/kg) và Mỹ (17.7 USD/kg và 10.9 USD/kg) cho thấy xu hướng ổn định, tạo động lực cho xuất khẩu.
Cá tra, với kim ngạch 632,7 triệu USD, tăng 9%, duy trì vị thế quan trọng nhưng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong tháng 4 chỉ đạt 167,7 triệu USD, không tăng so với cùng kỳ. Sự chững lại này phần lớn do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ và cạnh tranh từ các nguồn cung thay thế như cá rô phi từ Ecuador. Tuy nhiên, trước nguy cơ áp thuế 46% từ tháng 7/2025, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu cá tra trong tháng 4, tận dụng thời gian hoãn thuế 90 ngày để hoàn thành các lô hàng lớn.

Xuất khẩu thủy sản tận dụng thời gian vàng phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: Tư liệu
Trong khi các mặt hàng khác như cá rô phi và cá điêu hồng tăng mạnh 138%, đạt 19 triệu USD, nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc và các thị trường mới thì nhuyễn thể (chân đầu, có vỏ) đạt 216.4 triệu USD (tăng 18%), cua ghẹ đạt 83.1 triệu USD (tăng 82%) và các sản phẩm khác như mực đạt 112.1 triệu USD (tăng 50%), cho thấy xu hướng đa dạng hóa sản phẩm đang mang lại hiệu quả.
Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường dẫn đầu, đạt 709,8 triệu USD trong 4 tháng, tăng 56%. Tháng 4 ghi nhận 182,3 triệu USD, tăng 29%, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp. Nhật Bản đứng thứ hai với 536,6 triệu USD (tăng 22%), tăng trưởng ổn định nhờ các sản phẩm giá trị gia tăng. EU và Hàn Quốc cũng cho thấy tiềm năng với kim ngạch lần lượt 351,5 triệu USD, tăng 17% và 264,1 triệu USD, tăng 15%, đặc biệt nhờ các chính sách thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt 498,4 triệu USD, tăng 7%, với tháng 4 sụt giảm 15%. Sự suy giảm này phản ánh tác động của chính sách thuế quan đối ứng hiện tại từ Hoa Kỳ, làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu.
Kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang Mỹ dự kiến tăng 10 - 15% trong 2 tháng tới
Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vasep cho biết, trong 2 tháng tới (tháng 5 và 6/2025), xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng mới của Hoa Kỳ có hiệu lực.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. "Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10 - 15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần" - bà Lê Hằng dự báo.

Mỹ là trường tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm cá rô phi Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN có khả năng chững lại, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3-5%. Nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Hoa Kỳ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN. Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ.
EU và Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng ổn định, khoảng 8-10%) nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng không đủ bù đắp sự chững lại ở Trung Quốc và ASEAN.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể đạt 10,5 tỷ USD nhưng điều này phụ thuộc vào khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước chính sách Mỹ và sự linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng./.
Theo Hiệp hội Vasep, từ ngày 6 - 8/5/2025 tại Barcelona sẽ diễn ra Triển lãm Thủy sản toàn cầu 2025, đây là sự kiện quan trọng dành cho cộng đồng thủy sản trên toàn thế giới. Tham gia triển lãm này, Vasep đã đăng ký diện tích 464m2 và dàn dựng thành gian hàng quốc gia Việt Nam và tổng cộng có 28 đơn vị chế biến và xuất khẩu thủy sản tại gian hàng quốc gia Việt Nam, trong đó có 7 công ty chế biến tôm, 8 công ty chế biến cá tra, 4 công ty chế biến cá ngừ, và 8 công ty chế biến các mặt hàng thủy hải sản nói chung. Phương châm của thủy sản Việt Nam xuyên suốt tại các Hội chợ Quốc tế 2025 sẽ tiếp tục được sử dụng là “Thủy sản Việt Nam – Điểm đến bền vững” nhằm truyền tải thông điệp đến với khách hàng, đó chính là một ngành thủy sản xanh, sạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.