Xuất khẩu thủy sản: Tìm hướng vượt khó, tận dụng cơ hội để bứt phá

Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Dự đoán xuất khẩu thủy sản "khó" bứt phá trong ngắn hạn

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và tăng nhẹ 16 triệu USD so với tháng trước. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong tháng 9, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua - ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6 - 12%.

Theo VASEP, Hoa Kỳ đã lấy lại vị thế số 1 với 165 triệu USD kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam trong tháng 8/2023, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24%, nhưng xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Hoa Kỳ đều đã hồi phục. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8: tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.

Đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, các phân tích cho thấy đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ, nhu cầu nhập hàng phục vụ các lễ hội của năm tới đều có xu hướng tăng. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ cũng sẽ khả quan hơn.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản và Trung Quốc trong tháng 8 tuy cao hơn so với 2 tháng trước đó, nhưng chưa phản ánh rõ xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, vụ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ít nhiều đang làm xáo trộn thương mại thủy sản của nước này với các thị trường như Trung Quốc và các thị trường khác. Tác động tới thời điểm tháng 8 chưa thể hiện rõ ràng, nhưng có thể việc này sẽ làm giảm nhập khẩu thủy sản Nhật vào Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, VASEP nhận định: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm nay đang dần lấy lại tăng trưởng và ghi nhận kết quả khả quan hơn nửa đầu năm.

Tuy nhiên VASEP dự báo, nếu không có biến động bất ngờ từ thị trường và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2-9,3 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với TTXVN, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP phân tích, hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Nhận định về thị trường thủy sản những tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ khó bứt phá dù mức độ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng. Kết quả xuất khẩu tôm năm 2023 ước tính chỉ đạt khoảng 85 - 90% so với năm 2022. Dự báo này dựa trên tính chu kỳ, thời điểm này hàng năm đã là cao điểm giao hàng, trong khi đó năm nay lượng đơn hàng có tăng nhưng không nhiều và giá bán chưa cải thiện.

Mặt khác, tình hình lạm phát ở nhiều thị trường chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm chí đồng Yên (Nhật Bản) đang ở mức thấp kỷ lục (148 Yên/USD) trong khi Nhật Bản là thị trường xuất khẩu trọng điểm hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao sản lượng tôm nuôi đang giảm mạnh nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu xuất khẩu không cao, vẫn còn nguyên liệu dự trữ trong kho.

Ông Hồ Quốc Lực còn nhấn mạnh một điểm đáng chú ý là trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn. Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp thủy sản trong việc thích nghi với mọi hoàn cảnh, hy vọng tình hình sẽ xoay chuyển theo hướng tích cực.

Nỗ lực tìm hướng đi bền vững cho ngành thủy sản

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Lao Động, đại diện Cục Thủy sản chia sẻ về đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Trong đó, nhiệm vụ đến năm 2023 sẽ rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản. Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản

Đặc biệt, kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát bền vững ngành thủy sản. Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản. Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-thuy-san-tim-huong-vuot-kho-tan-dung-co-hoi-de-but-pha-a629203.html