Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỷ USD
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã đạt 8,5 tỷ USD. Với kết quả khả quan này, chắc chắn hết tháng 11, thủy sản đã có thể chạm mốc 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành cũng như mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra cho cả năm.
Hết quý III đã chạm mốc 8,5 tỷ USD
Theo VASEP, riêng tháng 9.2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 850 triệu USD đưa kim ngạch 3 quý đầu năm chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO Lê Hằng cho biết, các sản phẩm thủy sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thủy sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân.
Đối với xuất khẩu tôm, trong tháng 9 đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Thiếu tôm nguyên liệu trong khi nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá, khiến xuất khẩu tôm giảm so với tháng trước. Đến hết tháng 9.2022, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82% các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% trong tháng 9.2022.
Về thị trường, 9 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22%. Các nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%. Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu (EU) đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng cao nhất với 76% và đạt 1,35 tỷ USD trong 3 quý đầu năm. Mặc dù còn nhiều yếu tố khó đoán định, nhưng đây vẫn là thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là trong bối cảnh chi phí vận tải và ách tắc vận chuyển vẫn là vấn đề lớn của thương mại toàn cầu.
"Với kết quả khả quan này, chắc chắn hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản đã có thể chạm mốc 10 tỷ USD và đây sẽ là mức cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay", bà Hằng thông tin.
Tăng về giá trị lẫn chất lượng
Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn như Trung Quốc, Mỹ, CPTPP, EU... từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đặt hàng. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã có các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân ngang bằng với quý II.2022. Đối với nguồn nguyên liệu, dự báo cũng sẽ bảo đảm bởi sự liên kết trong sản xuất cá tra khá chủ động chiếm đến 80 - 90% tổng diện tích nuôi cá tra.
Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe từ tháng 10 nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ tăng bởi đây là giai đoạn để phục vụ mùa lễ hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phải bảo đảm cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe song các doanh nghiệp đều đang nỗ lực tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động. Mục tiêu cuối cùng không chỉ tăng giá trị xuất khẩu mà còn tăng chất lượng, tạo dựng thương hiệu cho thủy sản Việt.
Hướng đến việc phát triển ngành thủy sản, xuất khẩu bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40%. Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng, góp khoảng 14 - 17 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Mới đây, để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu Chính phủ cũng bàn hành Quyết định 985/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Đa số doanh nghiệp cho rằng những động thái này thể hiện sự quan tâm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, hướng tới hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng chất lượng, đi sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của ngành thủy sản trong đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp.