Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng: Tiềm năng chưa được khai thác

Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 143.000 ha, trong đó diện tích có rừng tập trung khoảng 94.000 ha, với 3 hệ sinh thái rừng tràm, rừng cụm đảo và rừng ngập mặn. Theo các nhà phân tích ước tính, mỗi héc-ta rừng ngập mặn có thể khai thác hàng trăm tấn carbon mỗi năm, tạo nguồn thu không nhỏ nếu xuất khẩu thành công.

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán 5 USD/tín chỉ (tấn) carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng).

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa với giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật. Chủ rừng có thể quy đổi lượng hấp thụ khí CO2 từ diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra tín chỉ carbon. Tín chỉ này có thể bán tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang thực sự trở thành thách thức lớn của nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia và các dân tộc. Việc hình thành, phát triển thị trường carbon rừng không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với thế giới trong giảm phát thải khí nhà kính. Ðồng thời, mang thêm nguồn lợi tài chính hỗ trợ người dân thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài giá trị kinh tế, rừng còn nét đặc trưng mang giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.

Ngoài giá trị kinh tế, rừng còn nét đặc trưng mang giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.

Ðể các chủ rừng, người dân tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình Cà phê kết nối doanh nghiệp với chủ đề “Tiềm năng thị trường mua bán tín chỉ carbon tại tỉnh Cà Mau”.

Theo các chuyên gia, để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Ðây cũng là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính vì vậy, cần sớm có giải pháp tổng thể hướng đến mục tiêu mua bán, xuất khẩu tín chỉ carbon từ rừng.

Theo quy định, những công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon. Với quy định này, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng lớn, theo đó số tín chỉ carbon cũng rất lớn, là nguồn thu mà lâu nay chưa được chú ý tới.

Thu hoạch rừng keo lai, nông dân thu lãi từ 100-150 triệu đồng/ha.

Thu hoạch rừng keo lai, nông dân thu lãi từ 100-150 triệu đồng/ha.

Ðề cập tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon rừng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ, triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng thì mỗi năm sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững, phục vụ công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đang thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện khung pháp lý về kiểm đếm, chứng nhận về giao dịch về tính chỉ carbon để các địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau phát huy tiềm năng về kinh tế rừng.

Không chỉ có diện tích lớn, từ lâu rừng Cà Mau là một trong những lĩnh vực quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, an ninh quốc phòng... mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử và cả trong việc chắn gió, chắn sóng, chống xói lở... bảo vệ người dân, bảo vệ sản xuất nội đồng. Rừng còn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là nét đặc trưng riêng của Cà Mau./.

Trung Ðỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xuat-khau-tin-chi-carbon-rung-tiem-nang-chua-duoc-khai-thac-a30865.html