Xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 4,4 tỷ USD
Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, tôm vẫn là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020. Ðể đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội từ những thay đổi trên thị trường do tác động của dịch Covid-19 .
Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, tôm vẫn là mặt hàng mang lại giá trị kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020. Ðể đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội từ những thay đổi trên thị trường do tác động của dịch Covid-19 .
Dự báo tăng trưởng cao
Nhìn xuyên suốt cả năm 2020, xuất khẩu tôm đạt kết quả rất đáng khích lệ… Trao đổi với chúng tôi, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) Trần Công Thắng cho biết: Năm 2020, so với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế do kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo, Thái-lan… đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau và tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã được ký kết... Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD, tăng 11% so năm 2019. Mặt hàng tôm đã xuất khẩu đến 135 thị trường và có tới 508 doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường lớn giữ được mức độ tăng trưởng khả quan là: Mỹ tăng 33%; EU tăng 6,1%; Hàn Quốc tăng 3,3% và Anh tăng 20,1%
Ngoài ra, để đạt được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt như vậy, nguồn cung trong nước cũng đóng góp vai trò không nhỏ. Trong các tháng đầu năm 2020, sản xuất tôm gặp khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, nhất là tôm sú bị sụt giảm. Ðến cuối năm 2020, sản xuất tôm nước lợ đã phục hồi khi dịch bệnh được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục, dịch bệnh trên tôm nuôi cũng được kiểm soát, đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, bảo đảm nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, sản lượng tôm sú đạt 267.700 tấn, tăng 1%; tôm chân trắng đạt 632.300 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ.
Tại Cà Mau, "vựa tôm" lớn nhất nước, những tháng đầu năm 2020, nhiều nhà nhập khẩu thủy sản đã tạm dừng, hoãn, hủy giao hàng làm cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ (giảm giá điện, giảm lãi suất ngân hàng, thuế,…), tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm ổn định các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, Hiệp định EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các nước EU (năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU đạt khoảng 100 triệu USD, chiếm 9,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng hơn 400% so cùng kỳ năm 2019).
Bước sang năm 2021, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu bảo đảm tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng cao. Vắc-xin phòng Covid-19 ra đời cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đang được các doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm.
Những dự báo này là có cơ sở, khi ngay từ những ngày đầu năm 2021, tám công-ten-nơ hàng, với hơn 160 tấn tôm do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản. Chuyến hàng này như tín hiệu dự báo tốt lành cho ngành tôm xuất khẩu trong năm 2021…
Tận dụng tốt cơ hội
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, năm 2021 với việc Việt Nam kiểm soát tốt được dịch Covid-19 và tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi nhu cầu tôm trên thế giới tiếp tục tăng. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 4 đến 4,4 tỷ USD vào năm 2021. Ngoài ra, theo dự báo, quy mô thị trường tôm toàn cầu sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8% trong giai đoạn 2021 - 2026. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đủ về lượng và bảo đảm về chất, nhất là khâu nuôi trồng bằng cách ứng dụng các khoa học - công nghệ mới. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc (Bạc Liêu) Lương Thanh Văn chia sẻ: "Ðơn vị đang thực hiện chuỗi giá trị khép kín từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, tôm thương phẩm đến chế biến. Mỗi phân khúc, chúng tôi đều ứng dụng các công nghệ vượt trội để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng. Ðó là chủ động nguồn tôm bố mẹ thông qua việc hình thành và phát triển các trung tâm di truyền và chọn giống tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau". Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị đầu tiên chủ động nguồn tôm bố mẹ, với thế hệ tôm bố mẹ hiện tại tăng trưởng hơn 70% so với thế hệ ban đầu. Doanh nghiệp này xây dựng các khu sản xuất giống chất lượng cao trải dài từ Quảng Ninh, Nghệ An đến Bạc Liêu, Cà Mau… Từ chủ động nguồn tôm bố mẹ đến sự đầu tư bài bản quy trình sản xuất giống, mục tiêu cuối cùng nhằm sản xuất nguồn giống chất lượng, sạch bệnh, không chỉ có sức đề kháng cao, mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương...
Thứ ba, tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tận dụng lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới... Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho rằng: Các FTA có hiệu lực là cú huých rất lớn cho kinh tế Việt Nam, trong đó có Cà Mau, là điều kiện khách quan thuận lợi mới, nhất là xuất nhập khẩu sẽ có thêm nhiều thị trường. Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới còn diễn biến phức tạp, nhưng dự báo kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau ước đạt khoảng hơn 1,1 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm chiếm tới 1,044 triệu USD.
Ðể thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, theo Viện trưởng Ipsard Trần Công Thắng, cần nâng cao năng lực chế biến của doanh nghiệp, tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu. Doanh nghiệp phát triển những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng và phân khúc thị trường. Doanh nghiệp và người nuôi cần chuẩn bị tốt các điều kiện và thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường "đầu ra". Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thêm thị trường mới và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/xuat-khau-tom-huong-toi-muc-tieu-4-4-ty-usd-635020/