Xuất khẩu tôm tăng mạnh nửa đầu năm, doanh nghiệp Việt đối mặt rủi ro từ thị trường Mỹ
Số liệu Vasep dẫn từ hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, ngành tôm Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất (62,1%), kế đến là nhóm tôm khác (27,4%) và tôm sú (10,5%). Đáng chú ý, xuất khẩu tôm loại khác tăng vọt tới 124%.
Trung Quốc vươn lên dẫn đầu, Mỹ suy giảm
Về thị trường, Trung Quốc và Hong Kong vươn lên vị trí số một với kim ngạch gần 595 triệu USD, tăng mạnh 81%. Nhu cầu tiêu dùng cao dịp hè và sức mua đối với tôm hùm Việt Nam là yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng.
Khối CPTPP ghi nhận mức tăng 38%, trong đó Nhật Bản – thị trường đơn lẻ lớn thứ ba – tăng 19%, nhờ nhu cầu ổn định và sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT). Australia và Canada lần lượt tăng 5% và 6%.

Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường EU tăng 16% với các quốc gia như Đức, Pháp và Bỉ tăng trưởng hai con số, tiếp tục hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA – lợi thế mà các đối thủ như Thái Lan hay Indonesia không có. Hàn Quốc tăng 14%, Đài Loan tăng 27%.
Trái lại, Mỹ – từng là thị trường chủ lực – đang có dấu hiệu chững lại. Dù tổng kim ngạch nửa đầu năm tăng 13% lên 341 triệu USD, nhưng tăng trưởng chủ yếu diễn ra trong tháng 5 (+66%) do doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước khi thuế mới có hiệu lực. Đến tháng 6, kim ngạch giảm tới 37%.
Đối mặt nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá
Từ tháng 4/2025, Mỹ áp thuế đối ứng 10% với hàng nhập khẩu, riêng Việt Nam chịu mức 20% từ ngày 1/8. Ngoài ra, tôm Việt còn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá (AD) sơ bộ hơn 35% và thuế chống trợ cấp (CVD) vào cuối năm.
Các đòn thuế liên tiếp khiến thị trường Mỹ trở nên bất định, khiến doanh nghiệp khó lập kế hoạch sản xuất, định giá và giao hàng. Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ cũng dè chừng khi đặt hàng, làm giảm tính bền vững của tăng trưởng.
Trong nước, giá tôm chân trắng và tôm sú tăng mạnh trong tháng 7 do các nhà máy đẩy mạnh thu mua để kịp tiến độ giao hàng. Cụ thể, giá tôm cỡ 30–40 con/kg tăng khoảng 20.000 đồng chỉ trong hai tuần, trong khi tôm sú cỡ 20 con/kg đạt mức cao nhất từ đầu năm: 201.000 đồng/kg.
Dự báo trong tháng 7, xuất khẩu tôm sẽ chững lại sau khi đơn hàng "né thuế" được đẩy đi trong tháng 5 và 6. Việc Mỹ hoãn áp thuế tới 1/8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất thêm hàng, nhưng tâm lý thị trường vẫn khá thận trọng.
Theo Vasep, diễn biến xuất khẩu trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào:
Chính sách thuế chính thức từ Mỹ (AD, CVD, thuế đối ứng);
Khả năng chuyển hướng sang các thị trường ít rủi ro hơn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc;
Biến động chi phí đầu vào và dịch bệnh trong nước.
Nếu mức thuế Mỹ không vượt kỳ vọng, xuất khẩu có thể duy trì ổn định. Nhưng nếu thuế cao, xuất khẩu sang Mỹ có thể sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tổng kim ngạch toàn ngành
Trước thách thức từ thị trường quốc tế, doanh nghiệp tôm Việt cần chủ động tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ và đẩy mạnh khai thác các thị trường được ưu đãi thuế như EU, CPTPP.
Đồng thời, việc phát triển sản phẩm GTGT, tăng tính tiện lợi (ready-to-eat), đảm bảo truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất – quản trị sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về pháp lý và tài chính để ứng phó linh hoạt với chính sách thuế bất ngờ từ các thị trường lớn – đặc biệt là Mỹ, nơi đang dần trở thành “thị trường nhiều rủi ro” thay vì là động lực tăng trưởng như trước kia.