Xuất khẩu tuần 20/11-26/11: Xuất khẩu tôm sang Mỹ khả quan, xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu tuần 20/11-26/11: Xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tôm sang Mỹ khả quan là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần 20/11-26/11.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan 2 tháng cuối năm
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, tính tới tháng 10/2023,xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,8 tỉ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, xuất khẩu tôm đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.
Tháng 10/2023, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng ở các thị trường như Mỹ, Canada, Bỉ, Đài Loan, Thụy Sĩ. Các thị trường nhỏ như Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ được đánh giá tốt khi tăng trưởng xuất khẩu sang 2 thị trường này là 21% và 11% trong 10 tháng đầu năm nay.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam. Kể từ tháng 7 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng 2 con số, liên tục đến tháng 10.
Lũy kế xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 10 tháng năm nay vẫn giảm 20%, đạt 589 triệu USD do mức sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 10/2023 đạt 63 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng trong 3 tháng liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại mức giảm trong tháng 9 và 10.
Xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh 2 tháng cuối năm?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tháng 10 sang các thị trường đạt gần 173 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 10, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn tiếp tục là thị trường đứng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng dương với giá trị đạt tương đương so với tháng trước đó 56 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 23%, đạt hơn 490 triệu USD.
Đáng chú ý, EU đã tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam từ tháng 9 và duy trì mức tăng ổn định trong tháng 10 là 10% với giá trị đạt gần 15 triệu USD. Tính đến hết tháng 10, EU nhập khẩu 144 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Đức vẫn là điểm sáng của khối thị trường này khi xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây tăng 44% so với 10 tháng đầu năm 2022, riêng tháng 10 nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng nhập khẩu gấp 2,5 lần các sản phẩm cá tra.
Ngoài Đức, trong tháng 10, hầu hết các thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam trong khối EU đều ghi nhận sụt giảm như Hà Lan (giảm 27%), Bỉ (giảm 35%), Tây Ban Nha (giảm 7%)...
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 11 tháng đạt 1,36 triệu tấn
11 tháng năm nay, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cà phê Việt Nam xuất khẩu đạt 1,36 triệu tấn, trị giá ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu giảm dần trong 2 tháng gần đây do lượng tồn kho của cà phê Việt Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam có diện tích cà phê lớn thứ 6 thế giới, nhưng sản lượng cà phê lại đứng thứ 2 thế giới. Nguyên nhân được các chuyên gia ngành cà phê đánh giá là do tồn kho của cà phê Việt Nam Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Giá cà phê, sau thời gian chững lại, hiện đã đạt đến đỉnh, có thời điểm tăng lên 70.000 đồng/kg và dự báo trong vụ sau giá có thể tăng hơn nữa vì nguồn cung đang thiếu.
Hiện, cà phê Việt Nam vốn được người tiêu dùng thế giới lựa chọn bởi chất lượng. Tuy nhiên, ngành cà phê muốn tăng giá trị hơn nữa, từ khâu sản xuất đến chế biến luôn phải đặt chất lượng lên hàng đầu.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang có chiều hướng khả quan
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 76 triệu USD, giảm 0,5% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường đạt gần 693 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 10, xuất khẩu cá ngừ ghi nhận tăng trở lại tại Mỹ và Canada sau nhiều tháng sụt giảm với cùng mức 6% so với cùng kỳ.
Cá ngừ xuất khẩu sang Chile, Philippines và Hàn Quốc tiếp tục tăng tốc với lần lượt +406%, +116% và +402% so với cùng kỳ. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường có sự tăng trưởng cao liên tục trong các tháng gần đây và là một trong 15 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, theo VASEP.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU lại tiếp tục sụt giảm trong tháng 10. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 10 chỉ đạt hơn 15 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng 1%, đạt hơn 143 triệu USD. Xuất khẩu sang 3 thị trường nhập khẩu dẫn đầu khối là Đức, Hà Lan và Italy đã có nhiều thay đổi trong tháng 10.
Năm 2023, xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD
Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 33 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.
Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2023, hàng may mặc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, tương ứng 31,7 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022. Các mặt hàng khác như xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may, vải không dệt đều ghi nhận tăng trưởng âm so với năm 2022.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.
Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…