Xuất khẩu tuần từ 15-19/7: Đến giữa tháng 7, Việt Nam xuất siêu 11,88 tỷ USD; xuất khẩu cá tra khởi sắc

Đến giữa tháng 7, Việt Nam xuất siêu 11,88 tỷ USD; xuất khẩu cá tra khởi sắc ở nhiều thị trường... là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần 15-19/7.

Đến giữa tháng 7, Việt Nam xuất siêu 11,88 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan đến giữa tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,26 tỷ USD. Trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 7, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/7 lên con số 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD).

Chiều ngược lại, nửa đầu tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,43 tỷ USD.

Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô trong kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 195,37 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng 29,37 tỷ USD).

Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, tăng 56,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023.

Nửa đầu tháng 7, cả nước nhập siêu nhẹ, nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu 11,88 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh đạt gần 4 tỷ USD

Đây là số liệu mới nhất được tính toán từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dựa trên thông tin từ hải quan. Con số này tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp trong ngành cho biết, sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh đạt gần 4 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh đạt gần 4 tỷ USD

Còn nếu xét theo thị trường thì Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường yêu thích nhất.

Tây Nguyên là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, khi khu vực này bước vào vụ thu hoạch rộ sẽ thúc đẩy kim ngạch của những tháng sắp tới tăng mạnh. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần nửa tỉ đô la mỗi tháng.

"Tôi tin rằng, trong những tháng sắp tới xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh giúp ngành rau quả hoàn thành mục tiêu từ 6,5 - 7 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo.

Hiện cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và đang trong tiến trình ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ nước ta sang thị trường tỷ dân.

Sau Trung Quốc thì các thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Việt Nam phải kể đến là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Điểm đặc biệt là trong top 5 còn có sự góp mặt của Thái Lan - một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc ở nhiều thị trường

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở 1 số thị trường; trong đó, có khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xuất khẩu cá tra khởi sắc ở nhiều thị trường

Xuất khẩu cá tra khởi sắc ở nhiều thị trường

Cá tra Việt Nam còn khởi sắc ở một số thị trường truyền thống mang lại khi mà xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2024; trong đó, phải kể đến các thị trường Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia tại thị trường Tây Á, cùng với các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi, ngay cả lúc Hiệp định Thương mại tự do CEPA đang trong giai đoạn đàm phán và chưa ký kết.

Theo thống kê của hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm cá tra lớn nhất tại thị trường UAE, khoảng 40-50% tổng nguồn cung cá tra và thị trường này. Ước tính đến cuối tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường UAE ước đạt hơn 15 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, không riêng thị trường UAE, mà thị trường Trung Quốc thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng được các doanh nghiệp đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc trong 7 tháng năm 2024.

Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm có tra chế biến, việc tận dụng các phế phẩm cá tra để tạo nên những sản phẩm giá trị cao cũng được các doanh nghiệp chế thuế xuất khẩu cá tra tận dụng triệt để. Theo đó, sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra hiện đang được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc cuối năm

Nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc cuối năm

Xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc cuối năm

Cả nước đã thu hoạch được gần 400.000 ha lúa Hè Thu với năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới đang tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay.

Hiện giá xuất khẩu bình quân gạo 5% tấm là 600 USD/tấn và loại 25% tấm là 544 USD. Dù thấp hơn mức giá hồi đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn tăng khoảng 30 - 35%.

Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam. Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo các doanh nghiệp, việc giá gạo xuất khẩu điều chỉnh ở thời điểm này giúp họ chủ động và thu mua thóc được dễ hơn. Họ dự đoán giá sẽ hồi phục trong thời gian tới khi mà dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Ngoài ra theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, nếu Ấn Độ bãi bỏ, nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo thì giá gạo trên thế giới điều chỉnh giảm xuống là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và chúng ta vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-tuan-tu-15-197-den-giua-thang-7-viet-nam-xuat-sieu-1188-ty-usd-xuat-khau-ca-tra-khoi-sac-333858.html