Xuất khẩu vào châu Phi: Thận trọng với những thương vụ quá hấp dẫn

Các DN khi xuất khẩu vào khu vực Trung Đông, châu Phi cần tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác để tránh những rủi ro có thể xảy ra như: lừa đảo, ép giá.

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác Việt Nam- châu Phi: Chia sẻ kinh nghiệm quản lỷ rủi ro trong hợp tác kinh tế với châu Phi”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, sau hơn 30 năm kiên định con đường đổi mới, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới với GDP tăng bình quân 6,67%. Việt Nam là thành viên của nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Việt Nam được đánh giá nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn cam kết đầu tư 340 tỷ USD từ gần 130 quốc gia và đối tác.

Kết quả đó đã tạo ra nội lực mới cũng như nhu cầu mới trong hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới, trong đó có châu Phi.

Hội thảo quốc tế “Hợp tác Việt Nam- châu Phi: Chia sẻ kinh nghiệm quản lỷ rủi ro trong hợp tác kinh tế với châu Phi”.

Hội thảo quốc tế “Hợp tác Việt Nam- châu Phi: Chia sẻ kinh nghiệm quản lỷ rủi ro trong hợp tác kinh tế với châu Phi”.

Về phía các nước châu Phi, với khoảng 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, môi trường hợp tác ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình, liên kết khu vực và quốc tế, tập hợp đông đảo các nền kinh tế năng động, châu Phi đang vươn lên trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới.

Trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, trao đổi thương mại hai chiều tăng hơn 250% từ 2,52 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD giai đoạn 2010-2018. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc triển khai các dự án ở châu Phi với tổng vốn trên 3 tỷ USD trong các lĩnh vực: viễn thông, dầu khí, thủy điện, xây dựng nhà máy xi măng... ở Cameroon, Burundi, Tanzania, Mozambique, Algeria...

Ngược lại, các nước châu Phi đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD vào Việt Nam. Nông nghiệp là một trong những điểm sáng của hợp tác Việt Nam – châu Phi.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi và ông Victor Harrison - Cao ủy phụ trách Kinh tế, Ủy ban Liên minh châu Phi cùng cho rằng, Việt Nam và các nước châu Phi có nhu cầu và tiềm năng hợp tác rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghệ thông tin, kinh tế biển… Tuy vậy, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 1,5% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam và thế giới. Châu Phi là khu vực duy nhất Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do/ưu đãi. Hợp tác với châu Phi mới tập trung vào một số nước và trong những lĩnh vực nhất định.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với châu Phi, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao cho hay, bên cạnh những thuận lợi căn bản, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối diện nhiều thách thức khi thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Ngoài những yếu tố chủ quan như mức độ quan tâm về địa bàn chưa cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế… thì khoảng cách địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán kinh doanh, thiếu cơ chế phối hợp, hợp tác trong giải quyết tranh chấp thương mại, sự cạnh tranh gay gắt của các nước cũng là những trở ngại không nhỏ...

Theo ông Kiên, có 2 rủi ro mà doanh nghiệp Việt thường gặp phải, đó là rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C và doanh nghiệp gặp phải tình trạng lừa đảo.

Ông Kiên khuyến nghị, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào khu vực Trung Đông, châu Phi cần tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, doanh nghiệp cần cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn. Trong quá trình đàm phán thực hiện hợp đồng doanh nghiệp cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ tránh trường hợp bị đối tác ép giá, lừa đảo./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-vao-chau-phi-than-trong-voi-nhung-thuong-vu-qua-hap-dan-986871.vov