Xuất khẩu viên nén gỗ khó đạt mục tiêu 1 tỷ USD

Xuất khẩu viên nén gỗ năm 2023 dự báo chỉ đạt khoảng 650 triệu USD trong khi mục tiêu mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đề ra đầu năm là 1 tỷ USD.

Nếu như năm 2022 xuất khẩu viên nén có nhiều đột phá khi kim ngạch xuất khẩu đạt 790 triệu USD với số lượng 4,9 triệu tấn, bước sang năm 2023 xuất khẩu viên nén giảm sút cả về số lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Báo Đại Đoàn Kết dẫn số liệu của Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), giá trị xuất khẩu viên nén tháng 11/2023 chỉ đạt 58 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén chỉ đạt 660-665 triệu USD, giảm 16% so với năm 2022.

Như vậy, mục tiêu xuất khẩu viên nén đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2023 mà VIFOREST đề ra từ đầu năm khó có thể trở thành hiện thực.

Chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy, lượng viên nén của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm không phải là giảm cầu tại thị trường này mà do các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu viên nén từ các nguồn cung khác, bao gồm cả nguồn cung từ Nga.

Mục tiêu xuất khẩu viên nén đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2023 khó được hiện thực hóa. Ảnh minh họa.

Mục tiêu xuất khẩu viên nén đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2023 khó được hiện thực hóa. Ảnh minh họa.

Thực tế giá xuất khẩu (FOB) sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản tháng 12/2022 đạt trung bình khoảng 185 USD/tấn, tăng mạnh từ khoảng 145 USD/tấn tại Nhật Bản và 173 USD/tấn tại Hàn Quốc vào tháng 6 trong cùng năm. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, giá xuất khẩu lao dốc. Giá xuất khẩu tháng 4 năm 2023 vào Nhật giảm còn 167 USD/tấn trong khi giá tại Hàn Quốc chỉ còn 111 USD/tấn. Giá xuất khẩu trung bình vào Hàn Quốc trong tháng 9/2023 chỉ hơi nhích so với trước năm 2022, đạt 115 USD/tấn, tương đương 60% mức giá xuất vào thị trường này vào các tháng cuối năm 2022.

Trao đổi với Lao Động, TS Tô Xuân Phúc (chuyên gia phân tích – Giám đốc Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp – Forest Trends), nhấn mạnh: Ngành viên nén trải qua những biến động thị trường rất lớn trong một năm trở lại đây.

"Sau thời gian “sốt” năm 2022 với lượng xuất khẩu tăng 30% và giá xuất khẩu tăng 150-200%, xuất khẩu viên nén sụt giảm cả về lượng và đơn giá xuất khẩu, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Nếu đà xuất khẩu như hiện nay được duy trì, quy mô xuất khẩu năm 2023 sẽ tụt khoảng 15-17% so với năm 2022", TS Tô Xuân Phúc dự báo.

Tính toán số liệu cho thấy, lượng xuất khẩu viên nén bình quân mỗi tháng của quý 4 năm 2022 vào Hàn Quốc đạt trên 200.000 tấn. Mặc dù xuất khẩu viên nén giảm, nhưng các doanh nghiệp vẫn tin tưởng ngành viên nén vẫn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản. Vì vậy, việc một số nước giảm nhập khẩu viên nén trong năm nay không đáng lo ngại.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn kinh doanh Grand View Research, thị trường nhu cầu viên nén gỗ trên toàn cầu đang và sẽ có tốc độ độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,85% trong giai đoạn 2022-2027. Điều này cho thấy, xuất khẩu viên nén có thể "chững" lại trong năm 2023 nhưng cũng có thể bùng tăng trở lại trong năm tới. Hơn nữa, xung đột quan hệ Nga-Ukraina nếu chưa có thay đổi, thì nhu cầu viên nén ở Châu Âu vẫn cao.

Theo VOV, ngành viên nén Việt Nam hiện có 400-500 doanh nghiệp đang tham gia khâu sản xuất và thương mại xuất khẩu. Các doanh nghiệp này phân bổ tại miền Bắc, Trung và Nam. Khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào khâu xuất khẩu.

Dự báo, nhu cầu thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt giá trị 17,33 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Bởi sở hữu các ưu điểm như giúp giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng so với các loại nhiên liệu hóa thạch.

Grand View Research nhận định, việc áp dụng và triển khai ngày càng nhiều các nguồn năng lượng tái tạo thay thế như điện mặt trời, năng lượng gió ở các khu vực khác nhau trên thế giới có khả năng cản trở sự tăng trưởng của thị trường viên nén trong tương lai. Cùng với đó, công nghệ viên gỗ nén cũng đã được nâng cấp để tăng hiệu quả chuyển đổi năng lượng, giảm lượng tro và khí thải. Với những diễn biến này, thị trường xuất khẩu viên nén trong những năm tới sẽ cạnh tranh khốc liệt về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất viên nén tại Việt Nam chậm đổi mới công nghệ nhằm giảm giá thành, tăng hiệu suất nhiệt lượng, giảm lượng phát thải, thì nguy cơ sẽ bị nhiều nước “qua mặt” giành lấy thị trường xuất khẩu viên nén. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất là vấn đề rất quan trọng để DN có thể giữ được thị trường xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường.

Theo TS.Tô Xuân Phúc, để nắm bắt cơ hội, nhà quản lý cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng. Cụ thể, các cơ quan quản lý tại các địa phương phải tính toán khả năng cung gỗ nguyên liệu của các diện tích rừng trồng (và các cơ sở chế biến) trong phạm vi địa phương của mình, đánh giá năng lực và công suất của các dự án chế biến, dựa trên đó quyết định cấp phép cho các dự án này theo khả năng cung nguyên liệu.

“Cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng có thể là gián tiếp, thông qua các công cụ nhằm khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa mặt hàng này, bao gồm ưu đãi về giá điện sử dụng viên nén, ưu đãi đối với các doanh nghiệp chuyển đổi từ nguyên liệu phát thải cao sang sử dụng viên nén. Thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách dành riêng cho ngành viên nén sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành phát triển bền vững trong tương lai”, ông Phúc nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-vien-nen-go-kho-dat-muc-tieu-1-ty-usd-a639860.html