Tổng thống Vladimir Putin vào hôm 26/11/2022 tuyên bố, khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga "trong điều kiện khó khăn vào năm 2022'"vẫn đạt được con số ấn tượng lên tới 8 tỷ USD.
Trước đó vào tháng 8/2022, Giám đốc điều hành Rosoboronexport - ông Alexander Mikheev đã dự đoán doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga ước đạt 10,8 tỷ USD, thấp hơn 26% so với báo cáo cho năm 2021.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Nga có xu hướng giảm - nhìn chung trong 5 năm qua, chỉ số này đã giảm tới 1/4. Báo cáo SIPRI 2021 lưu ý:
"Từ năm 2017 đến 2021, tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga giảm từ 24% xuống 19%".
Liên bang Nga trong nhiều năm là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ. Vào năm 2022, tình hình sẽ thay đổi: vị trí này chuyển sang Hàn Quốc - quốc gia đã bán vũ khí ra nước ngoài với số tiền (theo nhiều ước tính khác nhau) từ 14 đến 17 tỷ USD.
Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng vọt từ 3 tỷ USD năm 2020 lên 7 tỷ USD năm 2021, chỉ kém Pháp 1 tỷ USD. Theo tờ China Daily, các hợp đồng với Ba Lan về việc mua xe tăng K2, máy bay cường kích hạng nhẹ FA-50 và pháo tự hành K9 đóng góp lớn nhất cho doanh số.
Trong điều kiện của năm nay, khi nhiều nước châu Âu, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã quyết định khẩn trương tăng cường tiềm lực quốc phòng và triển vọng tốt đẹp đã mở ra cho vũ khí Hàn Quốc.
Tờ China Daily nhận xét: "Rõ ràng là tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ đang lo lắng trước việc Hàn Quốc gia nhập thị trường vũ khí và cạnh tranh trực tiếp với Washington".
"Đây là một đòn giáng mạnh vào các tập đoàn vũ khí Mỹ và Washington sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng Seoul không làm suy yếu nền công nghiệp vũ khí của họ, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà Trắng".
Nhưng về lâu dài, nhiều chuyên gia trong thị trường vũ khí nghi ngờ khả năng duy trì vị thế của Seoul trong danh sách các cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí.
Nhưng đối với Nga, sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu vũ khí có thể chỉ là tạm thời, mặc dù không thể phủ nhận màn thể hiện trên chiến trường Ukraine đã gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Các nhà phân tích từ trung tâm InterRegional, có trụ sở tại UAE cho biết: "Bất chấp tất cả những lời chỉ trích của phương Tây đối với vũ khí Nga, họ vẫn có thị trường ổn định của riêng mình".
"Ngoài ra, kinh nghiệm lịch sử trước đây đã cho thấy tác động hạn chế của các cuộc chiến tranh đối với quy trình mua sắm của những nhà nhập khẩu vũ khí truyền thống lớn nhất của Nga".
"Ví dụ, sau Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, Ấn Độ và Algeria hoàn toàn không từ bỏ việc sử dụng vũ khí Nga, sản phẩm quốc phòng của Moskva vẫn giữ được sức hấp dẫn và một số lợi thế đối với các quốc gia ở khu vực này".
Việc Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ ai mua sản phẩm quốc phòng từ Nga cũng đang có tác động rõ rệt đến thị trường vũ khí thế giới, nhiều đối tác truyền thống đã buộc phải hủy hợp đồng vào phút cuối.
Moskva đã đưa ra “phản ứng bất cân xứng” đối với điều này, cụ thể là đại diện của Rosoboronexport và các công ty quốc phòng Nga chỉ đơn giản là ngừng nêu tên nhiều khách hàng của họ.
Theo ấn phẩm EurAsian Times của Ấn Độ, các biện pháp trừng phạt khác như cắt Nga khỏi các hệ thống thanh toán quốc tế đã có “tác dụng phụ”, khi phương Tây mất đi công cụ kiểm soát tài chính, tạo điều kiện cho những "hợp đồng bí mật".
"Thông thường, tổ hợp công nghiệp quân sự Nga hàng năm xuất khẩu lượng sản phẩm trị giá 15 tỷ USD. Tuy nhiên số tiền này có thể giảm và tăng. Theo ước tính, Liên bang Nga hiện có một danh mục hợp đồng vũ khí trị giá 57 tỷ USD cho những năm tới".
Bạch Dương