Xuất khẩu xơ sợi thu về 3,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm
Hết quý 3 năm 2023, xuất khẩu xơ sợi thu về 3,2 tỷ USD với hơn 1,3 triệu tấn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, tăng 9,3% về lượng nhưng giảm 13,8% về trị giá.
Xuất khẩu xơ sợi thu về 3,2 tỷ USD tăng về lượng, giảm về trị giá
Báo Công Thương dẫn số liệu thông kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam tháng 9 đạt 153.768 tấn với trị giá hơn 373 USD/tấn, giảm 11,7% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với tháng trước đó. Hết quý 3 năm 2023, xuất khẩu xơ sợi thu về 3,2 tỷ USD với hơn 1,3 triệu tấn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, tăng 9,3% về lượng nhưng giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể về thị trường trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đạt 77.459 tấn với trị giá hơn 203 triệu USD, giảm 18,8% về lượng và giảm gần 20% so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 647.862 tấn xơ sợi và thu về hơn 1,71 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 2.652 USD/tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đó, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của xơ sợi Việt Nam. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 10.898 tấn với trị giá hơn 30 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 2,8% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ sợi sang thị trường này đạt 101.880 tấn và thu về hơn 284 triệu USD, giảm 5,78% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.788 USD/tấn, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm 2022.
Xếp thứ 3 là thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang Mỹ 75.483 tấn xơ sợi với trị giá hơn 108 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.443 USD/tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 1 nửa so với giá xuất khẩu sang Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Trước đó, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Sản lượng sản xuất bông sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn 4,4 triệu kiện so với dự báo trước đó. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.
Trong khi đó, dự báo tiêu thụ cũng giảm 1,1 triệu kiện, chủ yếu do nguồn cung giảm tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự kiến vẫn cao hơn năm trước 5 triệu kiện.
Dự báo thương mại toàn cầu đã được điều chỉnh giảm khoảng 600.000 kiện, xuống còn 43,3 triệu kiện, phản ánh mức tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu lớn như Bangladesh và Việt Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, dự báo xuất khẩu bông chỉ đạt 12,3 triệu kiện, mức thấp nhất trong 8 năm. Sự sụt giảm này là kết quả của việc nguồn cung giảm nhẹ.
Đáng chú ý, tồn kho cuối kỳ trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn 1,6 triệu kiện xuống còn 90 triệu kiện. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do lượng tồn kho ban đầu giảm và sự điều chỉnh giảm sản lượng so với mức tiêu thụ.
Thế mạnh của Việt Nam nằm ở 2 mảng sợi và may
Thông tin thêm trên Diễn đàn & Doanh Nghiệp, kết quả thương mại tích cực đã được thể hiện trong quý 3/2023, khẳng định rõ xu hướng phục hồi của xuất khẩu Việt Nam. Dệt may có nằm trong nhóm ngành triển vọng?
Đặc biệt, hàng may mặc (dệt may) được chia làm 3 mảng sợi – vải – may. Trong đó, thế mạnh của Việt Nam nằm ở 2 mảng: sợi và may.
Về mạng sợi, thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy ảnh hưởng của thị trường này lên các doanh nghiệp sợi của nước ta là rất lớn.
Nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) đã sôi động hơn kể từ quý 2, và sẽ phục hồi mạnh vào 2 quý cuối năm của 2023.
Thứ nhất, nhu cầu phục hồi toàn ngành may mặc, mảng sợi (thượng nguồn ngành) là mảng đầu tiên phục hồi khi các doanh nghiệp dệt, may tăng cường nhập hàng để phục vụ sản xuất kịp thời cho chu kỳ phục hồi của ngành. Đơn hàng của các doanh nghiệp sợi đã tăng trở lại từ quý 2 và khả năng các nhà máy sẽ phủ kín công suất cho đến hết quý 4/2023.
Thứ hai, trong cơ cấu thị phần ngành sợi, sợi nhân tạo chiếm ưu thế với khoảng 60% thị phần so với 40% thị phần của sợi tự nhiên. Hiện tại, các doanh nghiệp sợi nhân tạo đang gặp áp lực lớn về chi phí đâu vào khi chip nhựa (được sản xuất từ dầu thô) đang tăng giá bởi tác động của giá dầu. Giá sợi nhân tạo POY Trung Quốc tăng cao sẽ làm hạn chế khả năng cung ứng của loại sợi này cho các doanh nghiệp dệt.
Trúc Chi (t/h)