Xuất nhập khẩu của tỉnh trước dịch bệnh COVID-19

PTĐT - Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2020...

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Cụm CN Tử Đà, huyện Phù Ninh. Ảnh: Đinh Vũ

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Cụm CN Tử Đà, huyện Phù Ninh. Ảnh: Đinh Vũ

PTĐT - Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng cao so với năm 2019, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 665 triệu USD, tăng 186% so với kim ngạch xuất khẩu quý cùng kỳ, đạt 30% so với kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 598,7 triệu USD, tăng 276% so với kim ngạch nhập khẩu quý cùng kỳ, đạt 29,2% so với kế hoạch năm.
Để có được kết quả trên, ngoài lý do khách quan tăng cơ học, về chủ quan, Sở Công thương đã nhanh chóng phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt tình hình thường xuyên; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn, cụ thể:Nhóm ngành dệt may có 27 doanh nghiệp, với khoảng 22.500 công nhân lao động chiếm 13,2%/tổng số lao động ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp nhóm này do có nguồn nguyên liệu dự trữ nên tạm thời vẫn sản xuất cầm chừng để duy trì, giữ chân lao động; một số công ty hiện đã bổ sung thêm dây chuyền sản xuất khẩu trang Vikore, để cung ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì đến tháng 5, 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khối doanh nghiệp này khi đầu vào, đầu ra đều gặp khó khăn. Nhóm ngành bao bì, vải bạt; nhóm ngành chế biến gỗ và các nhóm ngành khác. Đến nay, các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành này vẫn ổn định sản xuất kinh doanh, thị trường chưa bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Một số doanh nghiệp do mất nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc đã chuyển sang nhập nguyên liệu của nước khác nên vẫn bảo đảm kế hoạch sản xuất. Riêng có Công ty CP Sản xuất và Thương mại Việt Nhật, KCN Thụy Vân (sản xuất thanh nhựa, tấm nhựa), do hết nguyên liệu nên dây chuyền sản xuất thanh nhựa đã đóng máy 2 tuần, Công ty tập trung nhân lực sang dây chuyền sản xuất tấm nhựa. Công ty TNHH Troy Hardware Việt Nam, KCN Cẩm Khê (sản xuất tay nắm cửa, bản lề cửa), theo kế hoạch sau Tết Nguyên đán sẽ đi vào hoạt động, nhưng do thiếu chuyên gia từ Trung Quốc sang nên tạm thời chưa triển khai hoạt động theo kế hoạch.Nhóm ngành vật liệu xây dựng. Có 25 doanh nghiệp, với khoảng 4.300 công nhân lao động chiếm 2,5%/tổng số lao động ngành công nghiệp. Doanh nghiệp nhóm ngành này cơ bản sản xuất kinh doanh ổn định do thị trường và nguyên liệu chính không phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không được cải thiện thì sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp do nhiều nguyên liệu phụ do Trung Quốc cung cấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có dây chuyền máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn cần có sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia người Trung Quốc.Theo dự báo trong thời gian tới, xuất nhập khẩu hàng hóa của Phú Thọ trong ngắn hạn sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là tại những nước có đối tác thương mại hàng đầu của Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung, có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020. Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu như yêu cầu các doanh nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu…; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, thương nhân và nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất, cần tập trung vào chế biến và chế biến sâu, tập trung tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.

Nguyễn Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/xuat-nhap-khau-cua-tinh-truoc-dich-benh-covid-19-170086