Xuất nhập khẩu ngày 3-5/10: Da giày, thủy sản 'bứt tốc' vào EU, hàng Việt chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại
Hàng Việt chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại; xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc tăng mạnh; da giày, thủy sản 'bứt tốc' vào EU... là những thông tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 3-5/10.
Hàng Việt chịu gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ,…
Trong số đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Ở chiều ngược lại về công tác khởi kiện, đến nay Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc tăng 53%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng thứ 5 của Việt Nam, chiếm 7,7% tỷ trọng.
Sau khi giảm 45% trong quý I, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc phục hồi tăng trưởng từ quý II đến tháng 8 năm nay. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc đạt 26,6 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất về NK mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong hai tháng đầu năm nay, sau đó phục hồi trở lại trong các tháng tiếp đó. Từ tháng 3 năm nay, dịch bệnh Covid tại Trung Quốc bớt căng thẳng cộng với các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản dần nới lỏng các biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh nên nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc phục hồi.
Bên cạnh đó, nguồn cung đối thủ của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn về cung cấp hàng cho thị trường Trung Quốc nên Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam để bù đắp.
Trong cơ cấu mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, mực chiếm 91%, bạch tuộc chỉ chiếm 9%. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, nhu cầu tiêu thụ mực, nhất là mực khô/nướng có xu hướng tăng mạnh ở tất cả các thị trường nhập khẩu. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. nhập khẩu mực chế biến và mực khô/nướng, bạch tuộc chế biến vào Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Da giày, thủy sản "bứt tốc" vào Liên minh châu Âu (EU)
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre đan, hàng điện tử...Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Về kết quả xuất khẩu cụ thể, Bộ Công Thương nêu rõ, chỉ tính riêng tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7/2020 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sang tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi.
Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Xuất khẩu cao su 9 tháng năm ước đạt 1,45 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2020 đạt 230 nghìn tấn, trị giá 296 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với tháng 8/2020; tăng 52,9% về lượng và tăng 50,2% về trị giá so với tháng 9/2019; giá xuất khẩu bình quân giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 1.287 USD/tấn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019 xuống mức 1.278 USD/tấn.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 598,8 nghìn tấn, trị giá 762,81 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020.
Theo thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 cung cấp cao su cho thị trường Đài Loan với 11,68 nghìn tấn, trị giá 16,94 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 9,3% về trị giá. Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của thị trường Đài Loan cũng giảm nhẹ từ 7% trong 8 tháng đầu năm 2019 xuống còn 6,9% trong 8 tháng đầu năm 2020.
Riêng đối với cao su tự nhiên, 8 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho thị trường Đài Loan, đạt 11,04 nghìn tấn, trị giá 16,14 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng cao su tự nhiên xuất khẩu vào Đài Loan theo cam kết WTO có thuế suất 0% và về cơ bản không gặp rào cản gì do nhóm sản phẩm này không cạnh tranh với sản phẩm nội địa.