Xuất nhập khẩu ngày 6-9/10: Nông sản vào Trung Quốc gặp khó; điểm sáng gỗ Việt tại Mỹ; dừa tươi 'ghi điểm' ở Thái Lan

Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng, xuất khẩu nông sản gặp khó, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng, điểm sáng xuất khẩu ở khu vực kinh tế tư nhân… là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 6-9/10.

Bản tin xuất nhập khẩu ngày 6-9/10: Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ 2019. (Nguồn: Công Thương)

Bản tin xuất nhập khẩu ngày 6-9/10: Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ 2019. (Nguồn: Công Thương)

Điểm sáng khu vực kinh tế trong nước

9 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Trong đó, nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch XK tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt gần 51,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,3 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng với mức tăng 19,5% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4%) và đặt trong bối cảnh XK của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%). Đóng góp cho mức tăng XK chung của khối doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp ngành hàng gạo tăng mạnh 12% về giá trị, đạt 5,012 triệu tấn, với 2,46 tỷ USD.

XK gạo sang một số nước EU đã bật tăng mạnh ngay tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Một số thị trường có lượng XK tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 219,9%, Pháp tăng 145,8%, là tiền đề tốt để doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU.

Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết cũng như EVFTA để mở rộng thị trường XK mới. Cụ thể, kể từ khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.

Xuất khẩu nông sản có thể cán đích 41 tỷ USD

Với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) 9 tháng đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, XK nông, lâm, thủy sản dự báo cả năm sẽ mang về 41 tỷ USD - hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngay từ đầu năm. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh Covid-19 đang tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,6 tỷ USD; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD; thủy sản ước đạt trên 6,0 tỷ USD; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,4%...

9 tháng qua, dù còn nhiều mặt hàng XK giảm, nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị XK tăng so với cùng kỳ như: Gạo với giá trị XK đạt 2,5 tỷ USD (tăng 12,5%); rau đạt 493 triệu USD (tăng 3,1%); sắn đạt 110 triệu USD (tăng 89,9%), tôm đạt gần 2,75 tỷ USD (tăng 12,7%); quế đạt 168 triệu USD (tăng 12,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,5 tỷ USD (tăng 12,6%); mây, tre, cói thảm đạt 424 triệu USD (tăng 24,5%).

Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng, XK nông sản gặp khó

Những ngày qua, tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, hàng trăm container hàng nông sản của Việt Nam đang chờ được xuất cảnh sang Trung Quốc. Tình hình thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày này diễn ra khá chậm, mỗi ngày có khoảng 80 container hàng nông sản được XK, giảm một nửa so với cùng kỳ tháng trước.

Hàng XK qua cửa khẩu Tân Thanh, hay cửa khẩu Cốc Nam chủ yếu là hàng chợ, nghĩa là hàng hóa chưa có hợp đồng mua bán từ trước. Khi tới khu vực chợ Pò Chài, Lũng Vài tại Trung Quốc, các tiểu thương mới bắt đầu tìm đối tác giao thương.

Còn tại cửa khẩu chính ngạch như Hữu Nghị, mỗi ngày có khoảng 150 container hàng nông sản được thông quan, giảm mạnh so với các tháng trước. Nguyên nhân được xác định là do giữa hai nước đưa ra những quy định chặt chẽ trong công tác kiểm dịch.

"Trong một vài tháng gần đây, lượng hàng XK giảm 40% - 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân vẫn là do phía Hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu như: hàm lượng kháng sinh, chất bảo quản...", ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, cho biết.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã điện đàm đề nghị nước bạn tạo điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực thông quan; đồng thời kiến nghị các địa phương cần rà soát nguồn hàng, các doanh nghiệp XK hàng nông sản và hoa quả tươi nên thực hiện các gói hợp đồng thương mại, XK theo loại hình chính ngạch thay vì XK theo đường tiểu ngạch để tránh những rủi ro.

XK gỗ vào thị trường Mỹ tăng mạnh

XK gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, đây vẫn là một thị trường vô cùng khó tính. Do đó, để gia tăng XK, ngành gỗ cần xác định đúng sản phẩm thị trường đang cần.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2020, giá trị XK gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng ở hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Australia. Trong đó, XK tới thị trường Mỹ 8 tháng đầu năm 2020 đạt trên 4,19 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng XK sang Mỹ chiếm 55,1% tổng trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 7,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), những tháng đầu năm, trong khi các dòng sản phẩm như nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ giảm về giá trị XK so với cùng kỳ 2019, thì các mặt hàng nội thất phòng bếp, phòng tắm đều có xu hướng tăng.

XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ tăng mạnh, cộng thêm mùa cao điểm XK đồ gỗ vào những tháng cuối năm, dự báo XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2020.

Để gia tăng XK sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần nhận thức lại về vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, trước đây, các doanh nghiệp đầu tư làm nhiều mặt hàng thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng 70% các thiết bị đang có để sản xuất tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện sơn sản phẩm.

Dừa tươi chiếm lĩnh thị trường Thái Lan

Dừa tươi Việt Nam XK sang Thái Lan trong năm nay tăng rất mạnh. Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục là nước XK dừa tươi lớn nhất sang Thái Lan.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 129 nghìn tấn, trị giá 50,4 triệu USD, tăng tới 377,7% về lượng và 781,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Với sự tăng trưởng rất mạnh như trên, dừa tươi Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 61,4% trong tổng lượng dừa tươi nhập khẩu vào Thái Lan, tăng khá nhiều so với mức 51,3% trong 7 tháng đầu năm 2019.

Thái Lan là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Nước này tăng nhập khẩu dừa do nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến, do đó dừa tươi Việt Nam và Indonesia nhập khẩu vào Thái Lan đều tăng rất mạnh.

Nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 210,2 nghìn tấn, trị giá 76,4 triệu USD, tăng 299,5% về lượng và tăng 592,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân quả dừa tươi của Thái Lan đạt 363,3 USD/tấn, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm 2019.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-nhap-khau-ngay-6-910-nong-san-vao-trung-quoc-gap-kho-diem-sang-go-viet-tai-my-dua-tuoi-ghi-diem-o-thai-lan-125762.html