Xúc động cảnh cụ bà U80 bán từng tờ vé số, nuôi đàn chó 'mồ côi'

Tuổi đã cao, đơn độc một mình, bà Phương Hồng Yến vẫn cố bán từng tờ vé số để nuôi đàn chó 9 con. Đối với bà Yến, chúng chính là gia đình của bà.

“Tôi ăn gì, chúng ăn nấy”

12h trưa, bà Phương Hồng Yến (73 tuổi, ngụ tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM) lưng ướt đẫm mồ hôi, nhìn hàng vé số vẫn chưa bán hết. Bà Yến cho hay, mỗi ngày bà đều ngồi trên đường Trương Đình Hợi (quận 4) để bán vé số. Từ sáng sớm đến tối muộn, bà Yến ngồi bán đến khi nào vé số hết thì thôi.

 Nơi bà Yến ngồi bán chỉ là bàn ghế nhựa, được che chắn bởi chiếc dù đã cũ.

Nơi bà Yến ngồi bán chỉ là bàn ghế nhựa, được che chắn bởi chiếc dù đã cũ.

Đôi lúc, trời mưa to, bà Yến trở ốm nặng. Không ít lần bà vô tình ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy vé số vẫn còn nguyên khiến bà chực trào nước mắt. Ngồi ngoài trời cả ngày, cái nắng gắt khiến da bà sạm đi. Dù cơ cực, bà Yến vẫn cố bán từng tờ vé số, kiếm khoảng 200.000 đồng/ngày.

Quanh chân bà Yến, đàn chó con vừa ngủ dậy quấn quýt bên bà. Thấy người lạ, chúng liên tục sủa to. Bà Yến vội trấn tĩnh: “Bọn nó sợ tôi bị người ta làm hại, thấy thương lắm”, bà Yến nói.

Nhớ lại thời điểm giữa năm 2022, khi đang đẩy xe đi nhặt xe chai, bà Yến nghe thấy tiếng kêu yếu ớt trong bụi cây nên tiến tới xem. Lúc ấy, bà mới phát hiện một con chó bị bỏ rơi, nên xót lòng mang về nuôi.

Từ 1 con, 2 con rồi đến nay đã là 9 con. Bà thuê căn trọ trên địa bàn phường Tân Thuận Tây (quận 7) để làm nơi tắm rửa, nấu ăn, để đồ cá nhân. Còn bà và đàn chó thì ngủ ngoài đường, bởi chủ trọ không đồng ý cho bà nuôi chó trong nhà.

Hàng ngày, số tiền bà Yến kiếm được chỉ đủ nuôi cơm cho bản thân và đàn chó 9 con. Bà Yến cho hay, dù cực khổ cỡ nào, bà cũng không bỏ bởi chúng có hoàn cảnh không khác bản thân. Nhiều hôm bán vé số ế, không đủ tiền mua thức ăn khiến bà Yến ngất xỉu lúc nào chẳng hay. Thấy bà khó khăn, nhiều người đến xin đàn chó về nuôi phụ nhưng bà không đồng ý. Bởi bà sợ người khác sẽ mang chúng đem bán.

 Dù cơ cực, bà vẫn tích cóp tiền để nuôi đàn chó.

Dù cơ cực, bà vẫn tích cóp tiền để nuôi đàn chó.

“Chó nhà nghèo thì ăn kiểu nhà nghèo, chúng cũng chẳng đòi hỏi gì cả. Tôi chẳng có người thân nào, nên chúng là gia đình của tôi. Tôi ăn gì, chúng ăn nấy. Khi nào tôi mất đi, người ta muốn đem chúng đi đâu thì đi”, bà Yến bộc bạch.

Quá khứ cơ cực, cuối đời đơn côi

Bà Yến cố nhớ lại phần đời phía trước, kể rằng, bà từng sinh ra trong gia đình khá giả gốc Hoa. Thế nhưng, bố mẹ không may qua đời khi bà chỉ vừa 20 tuổi. Trải qua cú sốc khi còn quá trẻ, một mình bà Yến phải tự bươn chải kiếm tiền mưu sinh khiến đầu óc bà nửa tỉnh, nửa mê. Dần dà, bà không còn nhớ quá rõ mặt bố mẹ, cũng như tuổi thơ của mình nữa.

Lớn lên, bà bén duyên và kết hôn. Những tưởng sẽ có mái ấm hạnh phúc, chồng bà đột ngột qua đời khi bà 40 tuổi khi cả hai chưa có mụn con nào. Nỗi đau lần 2 khiến bà Yến dường như hụt hẫng, chấp nhận sống phần đời đơn côi sau này.

 Hàng ngày, bà Yến cùng đàn chó ngồi trên đoạn đường vắng, cố bán hết 200 tờ vé số.

Hàng ngày, bà Yến cùng đàn chó ngồi trên đoạn đường vắng, cố bán hết 200 tờ vé số.

Từ phục vụ nhà hàng, bà bỏ nghề đi nhặt ve chai kiếm sống tận mấy chục năm. Khi tuổi đã cao, chân đau nhức không còn đi lại được nhiều, cũng là lúc bàn tay bà Yến xuất hiện nhiều vết lở loét.

Vì vậy, bà bỏ nghề nhặt ve chai, xin một cây dù, cái ghế đặt tạm trên đường rồi bán vé số kiếm tiền sống qua ngày. Hàng ngày, nhìn dòng người qua lại, bà Yến không khỏi chạnh lòng.

“Thấy gia đình người ta trọn vẹn, nhiều lúc buồn rớt nước mắt ấy chứ. Nhưng số phận mình như vậy, không thể trách được. Chỉ mong sao có đầy đủ sức khỏe, lo cho đàn chó mồ côi này”, bà Yến chia sẻ.

 Dù khó khăn, bà Yến vẫn cố gạt nước mắt, nở nụ cười trên môi.

Dù khó khăn, bà Yến vẫn cố gạt nước mắt, nở nụ cười trên môi.

Dạo gần đây, bà Yến liên tục bị gạt mất tiền, lẫn mất cả vé số. Không có tiền, bà bị chủ vựa ngưng giao vé. Vì vậy, bà nuốt nước mắt khi không thể kiếm tiền được nữa. Nhìn đàn chó nằm chờ cho ăn, bà Yến càng nặng lòng hơn.

“Bỏ đói chúng tôi thấy có lỗi lắm. Giờ không biết làm sao để được bán lại. Cùng lắm, tôi sẽ ráng đi nhặt ve chai kiếm tiền”, bà Yến nghẹn ngào.

Người dân trong khu vực đều biết hoàn cảnh của bà Yến, thường lui tới ủng hộ vé số, khi thì mang cho bà chút thức ăn, thuốc men. Khi không còn vé số để bán, bà thường bán phụ những người khó khăn khác.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuc-dong-canh-cu-ba-u80-ban-tung-to-ve-so-nuoi-dan-cho-mo-coi-post257467.html