Xúc động cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết

Tham dự cầu truyền hình 'kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết, nhiều câu chuyện của các nhân vật là con em học sinh miền Nam khiến khán giả xúc động.

Tối 1-9, Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) với chủ đề Niềm tin và khát vọng đã diễn ra tại Thanh Hóa TP.HCM và Đồng Tháp.

 Lãnh đạo và các đại biểu tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Lãnh đạo và các đại biểu tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết gồm 3 phần Đi vinh quang - Ở anh dũng, Đồng bào - nghĩa nặng tình sâu và Hành trình tiếp nối.

Cột mốc lịch sử khó quên của nhân dân 2 miền

Chủ đề Niềm tin và khát vọng giúp mọi người ôn lại sự kiện về chuyến tàu tập kết một hành trình mà dân tộc ta đã đi và đã đến với niềm tin, khát vọng thống nhất như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!".

 Ông Nguyễn Văn Nên Bí thư Thành ủy TP.HCM và bà Nguyễn Thị Lệ Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Nguyễn Văn Nên Bí thư Thành ủy TP.HCM và bà Nguyễn Thị Lệ Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Qua 3 điểm cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024), hình ảnh, câu chuyện khó quên về những chuyến tàu đưa con em cán bộ miền Nam ra Bắc và tình cảm nhân dân 2 miền được thể hiện một cách rõ nét.

Theo đó, sau khi hiệp định Genève đã được ký kết, tại Nam bộ, một cuộc chuyển quân lịch sử đã được chuẩn bị và tiến hành dưới sự giám sát của quốc tế thông qua Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ.

Ông Võ Vui, Nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân khu 7 cho biết tháng 7 năm 54, Hiệp định Genève ký kết rồi thì coi như là lực lượng của bộ đội địa phương huyện tập trung về tỉnh. Hồi đó ở phía Nam này đi ra Bắc có 2 Trung đoàn Trung đoàn 1 miền Tây và Trung đoàn 2 miền Đông.

Từ tháng 10-1954 đến tháng 5-1955 hơn 1.800 thương, bệnh binh, hơn 47.000 cán bộ, gần 6.000 học sinh và hơn 1.400 gia đình cán bộ miền Nam tập kết về Sầm Sơn đã được nhân dân Thanh Hóa đón tiếp, chăm sóc tận tình.

Từng là 2 trong số rất nhiều những thành viên của đội thiếu nhi Sầm Sơn tham gia Lễ đón đồng bào chiến sĩ Miền Nam tập kết bà Phạm Thị Thiệu và Nguyễn Thị Nhủ cho biết dù 70 năm đã trôi qua nhưng đây là một trong những ký ức không thể nào quên.

 Bà Nguyễn Thị Nhủ, thuộc đội thiếu nhi Chim Hòa Bình cho biết: "Ngày xưa cảng cá không đẹp như bây giờ, cầu tàu chỉ toàn bằng tre thôi, nhưng bà con đứng trên bãi đông lắm để đón bà con và các anh bộ đội Miền Nam còn bây giờ cầu rộng hơn và đẹp hơn". Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Nguyễn Thị Nhủ, thuộc đội thiếu nhi Chim Hòa Bình cho biết: "Ngày xưa cảng cá không đẹp như bây giờ, cầu tàu chỉ toàn bằng tre thôi, nhưng bà con đứng trên bãi đông lắm để đón bà con và các anh bộ đội Miền Nam còn bây giờ cầu rộng hơn và đẹp hơn". Ảnh: THUẬN VĂN

Trong trí nhớ của bà Phạm Thị Thiệu, lúc bấy giờ bà và các bạn là chỉ đứng ở dưới bãi chờ các anh ở dưới tàu đi lên bờ đợi các em, các bạn học sinh miền Nam.

"Chúng tôi hô "hoan hô các đồng bào cán bộ chiến sĩ các em học sinh miền Nam ra Bắc","Miền Nam thành đồng Tổ quốc muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!"...." - bà Thiệu cho hay.

 Bà Phạm Thị Thiệu. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Phạm Thị Thiệu. Ảnh: THUẬN VĂN

Với bà Nhủ điều mà bản thân nhớ nhất là lúc các anh xuống tàu. "Khi đó các má lấy trong người ra túi đất và dặn rằng trong gói đất này quyện tình Nam Bắc ngàn đời không quên"- bà Nhủ nói.

 Các nghệ sĩ biểu diễn dưới mưa tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Các nghệ sĩ biểu diễn dưới mưa tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Lời dặn dò của Bác Hồ dành cho học sinh miền Nam

Bên cạnh sự đùm bọc, tình cảm của người dân miền Bắc đối với con em miền Nam thì niềm hạnh phúc được gặp Bác Hồ mãi là ký ức khó quên đối với con em miền Nam học tập trên đất Bắc.

 Ảnh: THUẬN VĂN

Ảnh: THUẬN VĂN

Là con của liệt sĩ, bà Lê Minh Ngọc, Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết mình được tập kết ra Bắc năm 12 tuổi. Tại đây cũng như bao học sinh miền Nam khác bà luôn mong ước được gặp Bác Hồ và cuối cùng bà đã thỏa ước nguyện của mình khi ở tuổi 15.

 Bà Lê Minh Ngọc, Nguyên PGĐ Sở GD và ĐT TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Lê Minh Ngọc, Nguyên PGĐ Sở GD và ĐT TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

"Bây giờ đã ở tuổi 82, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc này. Lúc đó tôi đang tập văn nghệ thì được Bí thư Chi đoàn báo mình nằm trong danh sách được đến thăm Bác. Tôi đã nghĩ không hiểu vì sao mình lại được hạnh phúc lớn lao như vậy.

Lúc đó đi trong đoàn vào phủ Chủ tịch, có một thiếu niên miền Nam là tôi, một thiếu niên Quảng Ninh và Hà Nội.

Gặp tôi, Bác nói ngay cháu miền nam ngồi giữa, mỗi người còn lại một bên. Lúc đó nhìn Bác là thấy hình ảnh ông mình ở miền Nam, đến bây giờ càng lớn tôi càng thấm thía câu 'Miền Nam luôn trong trái tim Bác'.

Đến buổi tối trong liên hoan văn nghệ, Bác đã gọi 3 thiếu niên ngồi bên cạnh mà tôi nhớ mãi. Khi đó Bác bảo: "Cháu nhớ miền Nam, nhớ nhà lắm phải không? Càng nhớ bao nhiêu thì phải học cho giỏi, tu dưỡng tốt để mai này về miền Nam phục vụ. Những câu nói đó càng in sâu khiến bản thân tôi càng ý thức phải phấn đấu tu dưỡng rèn luyện" – bà Ngọc nghẹn ngào nhớ lại.

Cũng tại chương trình, nhìn lại tầm nhìn của Đảng và Bác Hồ trong chiến lược đào tạo cán bộ và học sinh Miền Nam tập kết GS-TS Trình Quang Phú, người có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết bản thân tập kết đến Sầm Sơn lúc còn là một thiếu sinh quân chỉ mới 15 tuổi.

 GS-TS Trình Quang Phú chia sẻ tại chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

GS-TS Trình Quang Phú chia sẻ tại chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

"Tôi nghĩ rằng mình đi 2 năm rồi về đâu có nghĩ là phải đằng đẳng 20 năm. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy rằng tầm nhìn xa của Trung ương Đảng, của Bác rất to lớn.

Không chỉ ở 28 trường học sinh miền Nam mà còn có trại nhi đồng miền Nam do vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh làm Giám đốc. Như vậy Bác đã tính rất xa và đào tạo những lớp rất nhỏ.

Thực tế trong cuộc kháng chiến 20 năm qua, có nhiều học sinh miền Nam đã trưởng thành và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải... và nhiều anh em được đào tạo tại miền Bắc đã trở về tham gia chiến đấu ở miền Nam" - GS-TS Trình Quang Phú cho hay.

 Ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: THUẬN VĂN

Tham dự tại chương trình, ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cũng bày tỏ sự xúc động và cho biết đây là một dịp may để ông thay mặt các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, Chính Phủ, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc.

"Nhân dịp này Ban liên lạc học sinh miền nam Trung ương xin gửi tặng học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thanh Hóa và Đồng Tháp" - ông Trương Hòa Bình cho hay.

 Dịp này, Trung tâm lưu trữ quốc gia III trao lại kỷ vật cho gia đình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Ảnh: THUẬN VĂN

Dịp này, Trung tâm lưu trữ quốc gia III trao lại kỷ vật cho gia đình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Ảnh: THUẬN VĂN

 Chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đội mưa cùng chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

Chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đội mưa cùng chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

Bên cạnh những câu chuyện, chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) còn đem đến các tiết mục, hoạt cảnh với những ca khúc sống mãi với thời gian như Tình Ca, Lời ca dâng Bác, Nhớ về Hà Nội, Khát vọng...

Dịp này 2,5 tỉ đồng cũng được gửi về quỹ Chung một tấm lòng của HTV để hỗ trợ công tác khuyến học cho Đồng Tháp, Thanh Hóa và TP.HCM.

VĂN HÀ - THUẬN VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xuc-dong-cau-truyen-hinh-ky-niem-70-nam-hiep-dinh-geneve-va-chuyen-tau-tap-ket-post808043.html