Xúc động cuộc hội ngộ của trí thức tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024)
Sáng nay 14-7-2024 (nhằm mùng 9-6-Giáp Thìn), tại hội trường trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ (85 đường Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3,TP.HCM), chư Tăng Ni, giới trí thức và thân nhân gia đình Giáo sư Cao Huy Thuần, đã có cuộc gặp gỡ xúc động với nhau, trong tinh thần: 'Tuy xa xôi vẫn là gang tấc!'.
Tham dự lễ tưởng niệm có chư Tăng, Ni, các giáo sư, học giả, giới trí thức trong nhiều lĩnh vực.
Là người dẫn chuyện cho buổi lễ, cuộc gặp gỡ đặc biệt này, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, mở đầu với niềm xúc động.
“Tất cả chúng ta có mặt trong không gian ấm cúng này, cho phép tôi xin không giới thiệu phương danh, mà có lời chào đón tất cả chư vị hiện diện trong một cuộc gặp gỡ đặc biệt, tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần. Chúng ta có mặt tại đây không phải để chia tay mà để đoàn viên, một cuộc đoàn viên không mong chờ như những lần trước khi được đón ông về!", Thượng tọa Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ bộc bạch.
Hôm nay, là dịp Sơ tuần theo phong tục truyền thống kể từ khi trái tim của Giáo sư Cao Huy Thuần ngừng đập. Tang lễ của ông được tổ chức và hỏa táng vào ngày mai, thứ Hai 15-7-2024 tại Paris, với sự tiễn đưa của chư Tăng Ni, các bậc thiện hữu trí thức, gia đình và thân hữu ở hải ngoại.
Kể từ lúc trái tim Giáo sư Cao Huy Thuần ngừng nhịp đập vào lúc 23g26 ngày 7-7-2024 giờ Paris (tức khoảng 4g30 khuya, ngày 8-7-2024, của Việt Nam), Thượng tọa cho biết Báo Giác Ngộ đã thiết lập không gian tưởng niệm để thân hữu, người yêu quý Giáo sư Cao Huy Thuần đến thăm, nghĩ và đọc lại những “bức tình thư” mà Giáo sư viết cho đất nước, cho bạn bè, gia đình, cho những người trẻ...
Với “Im lặng, như lời chia tay”, “tình thư” cuối cùng Giáo sư gửi về, đã thay lời từ biệt, ông viết: “Như một cái hoa, tôi đã im lặng nở. Như một cái hoa, tôi nghĩ sẽ im lặng tàn. Từ đó, trong im lặng và cô đơn, cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng. Thực sự không cốt để làm gì, chỉ để sống qua ngày với mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, vô tích sự. Mơ mộng hơn một chút, tôi nghĩ về im lặng của cánh hoa rụng: trong im lặng, chắc nó cũng biết chia tay với bao nhiêu cánh bướm. Tôi cũng phải chia tay với bao nhiêu bạn bè. Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…”.
Sau nghi thức cầu nguyện truyền thống và cùng phúng tụng bài kinh ngắn Bát-nhã tâm kinh, hướng về Giáo sư Cao Huy Thuần, như sự hiện diện của ông với nụ cười thuần khiết vẫn ở đấy, các bậc thiện hữu tri thức, những người có mối thâm tình, đạt giao với Giáo sư, đã cùng chuyện trò, tâm tình, tái hiện những ký ức từng có về Giáo sư.
Dịp này, Giáo sư Trần Tuấn Mẫn, Nhà thơ Nguyễn Duy, Giáo sư Huỳnh Như Phương, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nhà giáo Nguyễn Thế Hùng, Thầy Thích Thanh Thắng và chị Cao Thị Tú Anh - đại diện gia đình Giáo sư Cao Huy Thuần đã có những chia sẻ trong sự kính trọng và nỗi niềm quý mến đối với một bậc trí thức, người thầy, người kể chuyện tài tình về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là đạo Phật Việt Nam…
Buổi lễ khép lại với nhạc phẩm Sen Trắng do Gia đình Phật tử Đức Minh (chùa Vạn Đức) thể hiện trong niềm xúc động.
Lễ nhập quan, thọ tang của Giáo sư Cao Huy Thuần diễn ra vào lúc 8g45 thứ Hai, 15-7-2024, tại Funérarium de Ménilmontant, 7 Boulevard de Ménilmontant, 75011 Paris.
Lễ di quan lúc 9g30. Lễ cầu siêu, hỏa táng lúc 10g30 đến 11g30 cùng ngày, tại Père-Lachaise (Salle de la Coupole).
Giáo sư Cao Huy Thuần quy y Tam bảo và được cố Đại lão Hòa thượng Lương Bật ban pháp danh là Tâm Bồ (trong ý nghĩa Bồ-đề-kiên-cố); ông sinh năm 1937, tại Quảng Ngãi; nguyên quán làng Thế Chí Đông, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1955, ông theo học Đại học Luật Sài Gòn (niên khóa 1955-1960), sau đó giảng dạy tại Đại học Huế (từ năm 1962 đến 1964). Trong thời gian này, ông cùng giới trí thức tham gia phong trào tranh đấu trong Pháp nạn Phật giáo 1963 bùng nổ tại Huế.
Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức Đại học Huế gồm Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh, Lê Văn Tuyên… họp nhau để rồi kết quả là tờ báo Lập Trường mà ông là Tổng Thư ký tòa soạn, đấu tranh chống lại khuynh hướng lập một “chế độ Diệm không có Diệm” được người Mỹ ủng hộ, với tham vọng mà ông từng chia sẻ là “biến đại học thành một thành trì chống độc tài”, “giấc mơ phạm thượng của tuổi trẻ”…
Cuối năm 1964, ông du học tại Pháp và đến năm 1969 thì nhận bằng tiến sĩ Chính trị học tại Đại học Paris với luận án: “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914”, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ông là giáo sư của Đại học Picardie; sau đó làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie cho đến ngày nghỉ hưu.