Xúc động ngày gặp gỡ của những cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc
Gần 300 hình ảnh, hiện vật về quá trình học tập của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1975 được trưng bày tại bảo tàng TPHCM.
Ngày 17/5, triển lãm trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975)" được khai mạc, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Ký Hiệp định Genève và sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024), Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng TPHCM và Bảo tàng Vĩnh Phúc tổ chức.
Triển lãm lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và học sinh miền Nam nói riêng trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đến tham dự có các thế hệ học sinh miền Nam ưu tú thuộc cộng đồng người miền Nam tập kết trên đất Bắc và đại diện nhân dân các địa phương miền Bắc từng góp phần cưu mang, đùm bọc học sinh miền Nam.
Những cô chú tay bắt mặt mừng nhận ra nhau, họ xúc động khi cùng xem ảnh của mình thời trẻ, nói với nhau nhiều kỷ niệm khi còn là học sinh trên đất Bắc.
Theo tinh thần Hiệp định Genève về việc chuyển quân của các bên, những chuyến tàu Tập kết chở hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thiếu niên từ miền Nam ra miền Bắc trong các năm 1954 và 1955.
Kể từ đó cho đến ngày kết thúc chiến tranh năm 1975, đã hình thành một cộng đồng người miền Nam tập kết trên đất Bắc, trong đó có các thế hệ học sinh miền Nam.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến công chúng các thông tin và gần 300 hình ảnh và hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975.
Cộng đồng 32.000 học sinh miền Nam thuộc nhiều thế hệ đã sống và học tập trong sự dạy dỗ hết lòng của các thầy cô giáo, sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào nhiều địa phương ở miền Bắc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Huỳnh Văn Thòn - Phó trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương chia sẻ, dù cho thời gian có lùi xa 70 năm hoặc lâu hơn nữa thì mỗi chúng ta người tóc bạc kẻ đầu xanh cũng không được quên rằng các giá trị lớn lao ta đang có là hòa bình, đoàn tụ, thống nhất, phát triển đã được đánh đổi bằng cái giá rất đắt của mất mát, hi sinh và chia cắt.
"Chính nhờ được sống trong môi trường giáo dục toàn diện, đầy đủ trí - đức - thể - mỹ, cùng ý thức tập thể, tự lực cánh sinh, vươn lên rèn luyện bản thân mà hầu hết học sinh miền Nam đã trở thành những con người hữu ích cho xã hội", ông Thòn nói.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố, từ ngày 17/5 đến hết ngày 30/7.