Hàng trăm ngàn người đổ về lễ hội sóc Bom Bo, chen nhau từng chút
Lễ hội gồm chuỗi các hoạt động hoành tráng với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP HCM cùng hàng trăm diễn viên
Tối 10-11, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã diễn ra Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo".
Ngay từ sáng sớm, người dân và du khách đổ về Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo. Đến chiều tối, người kéo về càng đông, ước tính có hàng trăm ngàn người.
Theo UBDN huyện Bù Đăng, Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo" gồm chuỗi các hoạt động: Chương trình nghệ thuật "Giã gạo chày tay – Nuôi quân đánh giặc" công phu, hoành tráng với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP HCM cùng hàng trăm diễn viên sẽ tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S'Tiêng...
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cho biết lễ hội chính là sự tri ân và tôn vinh những giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào S'tiêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động ý nghĩa và thiết thực, lễ hội mang đến cho du khách và bà con cơ hội trải nghiệm và cảm nhận nét đẹp đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Đây, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện Bù Đăng đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh với quyết tâm cao và sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ lực lượng, toàn bộ vật dụng hiện có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường.
Ngày hòa bình lập lại, đồng bào sóc Bom Bo lập sóc, giữ rừng, sinh sống và phát triển kinh tế gia đình. Bom Bo giờ đây, hai bên con đường nhựa uốn lượn là những ngọn đồi cà phê, điều, tiêu xanh mướt, những căn nhà ngói đỏ khang trang, nếp ống, rượu cần thơm ngào ngạt.
"Cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, trên mảnh đất thôn Bom Bo ngày nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của người S'tiêng" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
Dưới đây là hình ảnh dòng người đổ về xem Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hang-van-nguoi-do-ve-le-hoi-soc-bom-bo-196241110195219301.htm