Xúc động những câu chuyện về thầy Võ Tòng Xuân ở trường xưa

Sáng nay, 19-8, khi nhận tin buồn về GS-TS, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, tôi lặng người đi một lúc lâu, bởi lẽ cách đây vài tháng, thầy còn về thăm trường, nhắn nhủ đội ngũ giảng viên

Cho phép tôi gọi nhà khoa học lớn của đất nước bằng tiếng gọi thân thương là Thầy Xuân. Thầy Xuân là cựu sinh viên của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1, TP HCM), niên khóa 1957-1960. Thầy đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 84 trong sự tiếc thương của rất nhiều người.

Tấm gương vượt nghịch cảnh

Đối với các thế hệ thầy và trò của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cuộc đời của thầy là một tấm gương sáng ngời, một câu chuyện về đức tính lạc quan, kiên trì, chịu khó vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống để vươn tới thành công trên đường đời, đặc biệt là trên con đường nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, thầy còn có trái tim nhân ái, luôn nghĩ đến cộng đồng, đến bà con nông dân chân lấm tay bùn. Ấy vậy mà từ nay trái tim ấy đã mãi mãi ngừng đập.

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (bìa phải), giới thiệu với GS Võ Tòng Xuân đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Cơ Khí

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (bìa phải), giới thiệu với GS Võ Tòng Xuân đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Cơ Khí

Tháng 4- 2024, mặc dù sức khỏe yếu dần nhưng thầy Xuân vẫn dành thời gian về thăm trường nhân ngày Truyền thống. Tôi nhớ rõ khi ấy thầy Xuân là một trong những người về trường sớm nhất.

Khi sinh viên mời thầy vào hội trường, thầy vội từ chối vì muốn đi tham quan. Thầy chậm rãi đến từng xưởng thực hành, nhìn một loạt các thiết bị từ máy mới đến máy cũ rồi bắt đầu thao tác thử, thầy cứ như trở về khoảng thời gian làm sinh viên.

Cô Loan – vợ thầy Xuân - nói với tôi rằng thầy háo hức lắm, mong được về thăm trường để họp mặt mọi người.

Bằng giọng nói từ tốn, thầy nhắn nhủ với các giảng viên rằng phải liên tục cập nhật và học hỏi những kiến thức mới, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

GS Võ Tòng Xuân tham quan xưởng thực hành của sinh viên ngành Cơ khí

GS Võ Tòng Xuân tham quan xưởng thực hành của sinh viên ngành Cơ khí

Tham quan xong, thầy vào hội trường để chia sẻ với sinh viên. Thầy truyền lửa bằng những câu chuyện vượt khó vươn lên của cuộc đời mình, động viên tinh thần những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không nên bỏ ngang việc học mà phải theo đuổi đến cùng. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng thầy vẫn say sưa chia sẻ hàng giờ mà không mỏi mệt.

Công thức "5M bình phương" tạo nên dấu ấn Võ Tòng Xuân

Trước đó, vào khoảng năm 2022, thầy Xuân từng nói về công thức "5M bình phương" tạo nên dấu ấn và thành công mang tên Võ Tòng Xuân.

Thầy Xuân chia sẻ chữ M đầu tiên của cuộc đời thầy chính là "mồ mả". Ban đầu, tôi có chút sửng sốt nhưng khi nghiệm lại thì đó là những điều rất thuyết phục khiến tôi tâm đắc và nhớ mãi.

Thầy Xuân giải thích: "Con người ai cũng có cội nguồn, chưa biết tương lai có thành công hay không nhưng nhất định hiện tại phải biết hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn giảng dạy của thầy cô. Quê hương và trường học là 2 nơi nhất định không thể quên".

Bốn chữ M còn lại của thầy Xuân là: Mạnh mẽ, may mắn, minh mẫn và miệt mài.

GS Võ Tòng Xuân tham quan từng xưởng thực hành của nhà trường

GS Võ Tòng Xuân tham quan từng xưởng thực hành của nhà trường

Thầy Xuân từng nói với tôi, mái trường Cao Thắng chính là một một phần ký ức tốt đẹp của đời mình, nơi rèn luyện tính chu đáo và phương pháp làm việc khoa học. Điều này khiến tập thể giảng viên và sinh viên của trường rất cảm động và tự hào.

Hôm nay, cho phép chúng tôi nghiêng mình bày tỏ sự kính trọng và lòng tiếc thương vô hạn đối với một người thầy thân thương, một người cựu học sinh gần gũi, một nhà khoa học chân chính.

TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xuc-dong-nhung-cau-chuyen-ve-thay-vo-tong-xuan-o-truong-xua-1962408191316299.htm