Xúc động tại lễ họp mặt người có công ở TP.HCM

'Lòng biết ơn phải được khắc sâu trong từng hành động, từng suy nghĩ của mỗi người chúng ta...'- ông Mã Thanh Sơn chia sẻ dịp TP.HCM tri ân thương binh - liệt sĩ.

Ngày 22-7, Thành ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025) và lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy trao, tặng quà cho người có công với cách mạng tiêu biểu. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy trao, tặng quà cho người có công với cách mạng tiêu biểu. Ảnh: THUẬN VĂN

Ký ức của hai Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân

Trong không khí thân tình, ấm áp, các mẹ, các cô, các chú, gia đình của những người có công đã cùng lắng đọng trước những câu chuyện, những ngày dài hành quân, những đêm đen tối mịt vượt qua nỗi sợ của bản thân để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Văn Thái (sinh năm 1947, ngụ phường Lái Thiêu), nhập ngũ năm 1965.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã chiến đấu ngoan cường, 4 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần nhận huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Từ những chiến công đó, năm 1969, tại Đại hội lực lượng vũ trang miền Nam, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân chỉ sau ba năm đi bộ đội, là anh hùng trẻ nhất thời bấy giờ.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Văn Lợi trao hoa đến các Anh hùng LLVT sau phần giao lưu. Ảnh: THUẬN VĂN

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Văn Lợi trao hoa đến các Anh hùng LLVT sau phần giao lưu. Ảnh: THUẬN VĂN

Chia sẻ trong buổi gặp mặt, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Văn Thái nói, điều ông tự hào nhất cho đến tận hôm nay là dù trong thời chiến hay thời bình, bản thân vẫn giữ được phẩm chất, sự kiên trung của một người hoạt động cách mạng. Thời chiến, ông đánh giặc giữ nước. Thời bình, ông góp sức dựng xây đất nước, bằng những việc làm hàng ngày, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của mình và một lòng kiên trung với Tổ quốc.

“Giờ tôi còn ngồi đây là một điều hạnh phúc. Nhưng tôi rất nhớ những người đồng đội đã không may mắn được như tôi, nhìn thấy đất nước hòa bình, ngày càng vươn lên như hôm nay”- Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Văn Thái nói.

 Dịp này, tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", Thành ủy TP.HCM cũng tặng các phần quà tri ân đến 185 anh hùng liệt sĩ, người có công tiêu biểu, thương binh, gia đình chính sách. Ảnh: THUẬN VĂN

Dịp này, tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", Thành ủy TP.HCM cũng tặng các phần quà tri ân đến 185 anh hùng liệt sĩ, người có công tiêu biểu, thương binh, gia đình chính sách. Ảnh: THUẬN VĂN

Còn với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh (sinh năm 1953), dù bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học, thương binh hạng 4/4, ông vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông có thời gian tham gia đội biệt động Sài Gòn của Đoàn Thanh niên cộng sản TP.HCM, sau đó là tham gia vào chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh đã tham gia 8 trận đánh trong nội thành Sài Gòn thời đó, diệt một số lính sỹ quan Mỹ và bọn ác ôn. Năm 1969, ông bị bắt và đi tù.

“Lúc đó tôi 16 tuổi. Chúng lập một nhà lao thiếu nhi, nhốt toàn bộ thiếu nhi vào đó. Sau đó, Hiệp định Paris năm 1973 được kí kết, chúng tôi vùng lên chiến đấu buộc chúng phải giải tán nhà lao ngay trong năm 1973. Gần 600 tù thiếu nhi tại nhà lao đó, có người bị thương nặng rồi mất, đến hôm nay số đồng đội còn sống cũng còn chưa quá phân nửa.

Thương nhớ anh em đồng đội, chúng tôi luôn hứa sẽ luôn nỗ lực để xứng đáng với sự hy sinh đó. Dù là thương binh, chúng tôi vẫn nỗ lực học tập, cống hiến, xây dựng đất nước”- Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh chia sẻ.

Không quên xương máu của cha anh

Ông Mã Thanh Sơn (sinh năm 1954) là con của một liệt sĩ. Ông Sơn cũng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Theo ông Sơn, là người con của liệt sĩ, là người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ điều tối thiểu ông có thể làm, chính là không quên.

 Người có công với cách mạng tiêu biểu tại TP.HCM tham dự họp mặt. Ảnh: THUẬN VĂN

Người có công với cách mạng tiêu biểu tại TP.HCM tham dự họp mặt. Ảnh: THUẬN VĂN

“Không quên máu xương của cha anh, của đồng đội đã đổ xuống. Không quên những người đã ngã xuống mà tên tuổi chưa từng được biết đến. Không quên rằng từng giây phút bình yên mà ta đang sống hôm nay là kết tinh từ hàng triệu trái tim đã ngừng đập vì đất nước.

Lòng biết ơn không chỉ nằm trong những bài diễn văn hay vòng hoa tưởng niệm. Lòng biết ơn phải được khắc sâu trong từng hành động, từng suy nghĩ của mỗi người chúng ta. Đó là khi chúng ta sống có trách nhiệm hơn, học tập và cống hiến hết mình. Đó là khi chúng ta giữ gìn, bảo vệ những giá trị thiêng liêng mà cha ông đã đổ máu để gây dựng”- ông Mã Thanh Sơn xúc động.

Gửi gắm đến giới trẻ ngày nay, ông Mã Thanh Sơn chia sẻ, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống quý báu và lâu đời của dân tộc. Một người trẻ biết ngẩng cao đầu tự hào là con dân đất Việt. “Những giá trị ấy sẽ luôn là nguồn động lực để chúng ta phấn đấu vì một đất nước giàu mạnh, tự do và phát triển”- ông nói.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Tùng Chinh nhắn nhủ các bạn hãy cố gắng học, biết cách nắm bắt tư duy, học lịch sử để biết và có lòng tự tôn, tự hào dân tộc, thấy rằng trong dòng chảy lịch sử đó có sự hy sinh rất lớn của thế hệ cha ông; lấy đó làm động lực đóng góp cho đất nước.

 Ông Mã Thanh Sơn và bà Trần Thị Bào giao lưu tại buổi gặp mặt. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Mã Thanh Sơn và bà Trần Thị Bào giao lưu tại buổi gặp mặt. Ảnh: THUẬN VĂN

Còn bà Trần Thị Bào (SN 1949), người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thương binh 2/4 thì gửi gắm rằng đất nước đã hòa bình, đi qua một chặng đường đầy gian khổ.

Trong thời kì mới, khi toàn cầu đang thay đổi chóng mặt, chuyển sang thời kỳ số, bà mong thế hệ trẻ luôn cố gắng, dám nghĩ, dám sống, dám sáng tạo, không ngừng học tập để đón đầu các dòng chảy mới, hòa nhập với thế giới để đưa đất nước ngày càng đi lên.

 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc trao quà tri ân cho các thương binh. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc trao quà tri ân cho các thương binh. Ảnh: THUẬN VĂN

Thay mặt thế hệ trẻ, bạn Cát Tường đã gửi lời tri ân sâu sắc và lời chúc sức khỏe đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cô chú thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ.

Cát Tường chia sẻ, trong thời khắc đặc biệt này, khi đất nước đang tiến gần đến dấu mốc 80 năm ngày Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2025) – một cột mốc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay lại càng phải tự soi mình, tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với máu xương cha anh, với tầm vóc đất nước đang vươn mình hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

 Thanh niên Cát Tường đại diện thế hệ trẻ TP.HCM chia sẻ cảm xúc. Ảnh: THUẬN VĂN

Thanh niên Cát Tường đại diện thế hệ trẻ TP.HCM chia sẻ cảm xúc. Ảnh: THUẬN VĂN

“Chúng cháu tự hào được là một phần trong dòng chảy ấy. Và cũng chính từ niềm tự hào đó, chúng cháu hiểu rằng trách nhiệm của mình lớn lao hơn bao giờ hết. Trách nhiệm biến tình yêu nước thành hành động cụ thể, biến những giấc mơ đẹp thành hiện thực, biến sự biết ơn thành động lực để vươn lên, sáng tạo, đóng góp, phụng sự. Trách nhiệm giữ gìn, trách nhiệm phát triển, trách nhiệm gìn giữ hòa bình bằng tri thức, văn minh và lòng nhân ái.

Chúng cháu – thế hệ trẻ TP.HCM xin nguyện sẽ sống xứng đáng với những gì mà các thế hệ đi trước đã hi sinh, bằng một tuổi trẻ đầy khát vọng, đầy lý tưởng, đầy trách nhiệm với cộng đồng, với quê hương đất nước”- Cát Tường chia sẻ.

Sự ủng hộ của người có công là động lực để TP.HCM phát triển

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy gửi lời tri ân sâu sắc tới các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh- liệt sĩ, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Bà Trần Thị Diệu Thúy thông tin, những năm qua TP.HCM đã tập trung xây dựng, nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; thực hiện chỉnh trang các đài tưởng niệm, đền thờ... với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã tổ chức tìm kiếm, quy tập và tổ chức lễ an táng 48 hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, nhiều thương binh, bệnh binh và gia đình người có công đã không ngừng vươn lên, trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất và nuôi dạy con cháu trưởng thành.

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, Sự ủng hộ của người có công với cách mạng là động lực để TP.HCM phát triển. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, Sự ủng hộ của người có công với cách mạng là động lực để TP.HCM phát triển. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận và biểu dương những tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước đã tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

Để phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và thân nhân; bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp, ưu đãi về nhà ở, bảo hiểm y tế, giáo dục, điều dưỡng. TP.HCM cũng sẽ kịp thời nắm bắt, giải quyết các nguyện vọng chính đáng, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có công.

“TP.HCM sau sáp nhập có nhiều thách thức và cơ hội nhưng với sự nỗ lực và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người có công với cách mạng, các gia đình có công với cách mạng là động lực để các cấp, các ngành tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của khu vực và cả nước”- bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xuc-dong-tai-le-hop-mat-nguoi-co-cong-o-tphcm-post861734.html