Hàn Quốc trưng bày bộ tranh Thập điện Diêm vương và bản kinh Hoa nghiêm thời Goryeo
Cuộc triển lãm là một trong những sự kiện văn hóa và tôn giáo nổi bật nhất trong năm vừa diễn ra vào ngày 8-7 tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc chính thức công bố việc hồi hương và trưng bày hai báu vật Phật giáo vô giá từng lưu lạc tại Nhật Bản.
Đó là bộ tranh lụa Thập điện Diêm vương thời kỳ đầu triều đại Joseon và bản chép tay của kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra) quyển 22 từ thời Goryeo.
Đây không chỉ là một sự kiện về nghệ thuật và khảo cổ học, mà còn mang ý nghĩa lịch sử - tâm linh sâu sắc, và đặc biệt, diễn ra chỉ một tháng trước Kỷ niệm 80 năm ngày Hàn Quốc giành độc lập khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật Bản (15-8-1945).

Mặt trước của quyển 22, bản kinh Hoa nghiêm
Bộ tranh Thập điện Diêm vương gồm 10 bức tranh lụa treo truyền thống, mỗi bức có kích thước 66cm x 147cm, khắc họa hình ảnh mười vị vua phán xét vong hồn người chết trong cõi địa ngục. Mỗi vị được đặt trong bối cảnh minh họa sinh động về những hình phạt dành cho tội lỗi đã gây ra khi còn sống. Đây là một trong số rất ít các bộ tranh hoàn chỉnh còn tồn tại từ thời kỳ đầu của triều đại Joseon (1392-1897), một giai đoạn mà Phật giáo dần nhường chỗ cho Nho giáo trong vai trò quốc giáo.
Về bộ tranh này, giáo sư danh dự Park Eun-kyung, chuyên gia lịch sử mỹ thuật tại Đại học Dong-A nhận định: “Việc phát hiện và hồi hương một cách trọn vẹn của cả bộ tranh này là điều hiếm có. Bộ tranh không chỉ có giá trị nghệ thuật cao, mà còn là minh chứng sống động cho sự chuyển biến trong phong cách hội họa Phật giáo từ thời Goryeo sang Joseon.”
Dù Joseon là triều đại được biết đến với việc đề cao Nho giáo và có nhiều thời kỳ đàn áp Phật giáo, thế nhưng di sản Phật giáo vẫn âm thầm phát triển trong giới trí thức và dân gian. Các thư tịch cho thấy Phật giáo vẫn phát triển về mặt trí tuệ, với những cuộc trao đổi học thuật giữa các quan lại Nho giáo và giới học giả Phật giáo. Bộ tranh này là minh chứng cho dòng chảy liên tục và đa dạng của văn hóa Phật giáo ngay trong lòng triều đại Nho giáo.

Một đoạn trích của bản kinh
Không kém phần quan trọng trong sự kiện này là bản chép tay quyển 22 của kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra), một trong những kinh điển nền tảng của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Hoa Nghiêm tông (Hwaeom). Đây được cho là quyển 22 trong bộ 80 quyển kinh Hoa nghiêm bản dịch tiếng Hán của ngài Thật-xoa-nan-đà (Síksạ̄nanda), một cao tăng lỗi lạc thời nhà Đường sống vào thế kỷ thứ VII (652–710). Bản kinh này được chép vào năm 1334, dưới triều đại Goryeo, trên giấy xanh đậm với mực làm từ bột vàng trộn keo, mang lại ánh kim óng ánh tuyệt đẹp và độ bền vượt thời gian.
Cuộn kinh dài tới 10,9 mét, có bìa được trang trí bằng năm hoa sen bằng vàng và bạc. Phần minh họa đầu quyển mô tả Đức Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana) cùng chư Bồ-tát trong các cảnh giới: dưới cội Bồ-đề, tại cõi trời Đao-lợi (Trayastrimsa), cõi Diệm-ma (Yama), và đặc biệt là cõi Đâu-suất (Tushita), nơi Ngài truyền dạy giáo pháp siêu việt cho chư thiên và Bồ-tát, nhấn mạnh đến sự nhất thể giữa chư Phật và chúng sinh.

Bản kinh Hoa nghiêm
“Các nét bút mềm mại và tinh tế cho thấy đây là tác phẩm của một cao tăng chuyên nghiệp trong nghệ thuật thư pháp,” một quan chức nhận định. Đây là một minh chứng điển hình cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo dưới triều đại Goryeo - triều đại được mệnh danh là “vương quốc của Phật giáo” nhờ chính sách bảo hộ và phát triển của tôn giáo này.
Triều đại Goryeo được thành lập vào năm 918 bởi vua Taejo Wang Geon, đã thống nhất Tam quốc Hậu kỳ vào năm 936 và cai trị phần lớn bán đảo Triều Tiên cho đến khi bị thay thế bởi Yi Seong-gye, người sáng lập triều đại Joseon vào năm 1392. Goryeo nổi bật với các chính sách đối ngoại hòa hoãn với các vương quốc phía Nam Trung Quốc thời bấy giờ để ổn định chủ quyền quốc gia, cùng các cải cách thuế tiến bộ. Nhưng đáng chú ý nhất, triều đại này đã tạo môi trường cho nghệ thuật nở rộ, điều này dẫn đến vô số kiệt tác được ra đời dưới ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo.
Việc hai bảo vật này trở về từ Nhật Bản sau nhiều thập kỷ lưu lạc không chỉ là thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao và bảo tồn văn hóa, mà còn là một lời nhắc nhớ về những trang sử bị khuất lấp. Trong buổi họp báo, ông Cho Eung-chon, người đứng đầu Cơ quan Di sản Văn hóa Hàn Quốc, nhấn mạnh: “Việc hồi hương các cổ vật này đặc biệt có ý nghĩa, khi chúng tôi lần đầu tiên công bố trước công chúng chỉ một tháng trước lễ Kỷ niệm 80 năm ngày Giải phóng Hàn Quốc khỏi ách đô hộ của Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ giá trị của những tác phẩm này bằng cách tạo nhiều cơ hội để công chúng tiếp cận”.
Sau khi được đưa về vào tháng 11-2024 (bộ tranh) và tháng 4-2025 (bản kinh), cả hai cổ vật đang được lưu giữ và kiểm tra chuyên sâu tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia nhằm đảm bảo điều kiện bảo tồn tốt nhất.

Thập điện Diêm vương
Theo thống kê năm 2024, hiện nay khoảng 51% dân số Hàn Quốc không theo tôn giáo nào, 31% là Kitô hữu, và 17% là Phật tử. Dù chiếm tỷ lệ thấp hơn, nhưng Phật giáo được ghi nhận là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ. Các di sản văn hóa như bộ tranh Thập điện Diêm vương và kinh Hoa nghiêm là minh chứng rõ rệt cho chiều sâu và sức sống bền bỉ của văn hóa Phật giáo Hàn Quốc.
Hai cổ vật này không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Chúng là những nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại, là ánh sáng của trí tuệ Phật giáo được giữ gìn qua bao thế kỷ, và giờ đây, một lần nữa, được trao lại cho Hàn Quốc trong sự tôn kính và trân trọng.
Phổ Tịnh tổng hợp, từ buddhistdoor.net