Những nữ cựu tù cách mạng kiên trung

Sinh ra trong thời chiến, nhiều thiếu nữ gác lại tuổi thanh xuân, hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bị địch bắt, tù đày, chịu nhiều đòn roi tra tấn dã man, họ vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Hòa bình lập lại, trở về quê hương, dù mang trên mình nhiều thương tích nhưng những nữ cựu tù cách mạng vẫn miệt mài cống hiến, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Vượt qua mọi cám dỗ của địch

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi còn là cô bé 11 tuổi, bà Phạm Thị Lé (sinh năm 1946, phường Hòa Thắng) đã tham gia du kích để nắm tình hình, tiếp tế đồ dùng cho các chiến sĩ ở căn cứ cách mạng Hòn Hèo (phường Hòa Thắng). Năm 21 tuổi, bà bị trật xương bánh chè, chân phải bị tật, đi lại khó khăn. Mặc dù vậy, bà vẫn dùng nghề đan lưới, đan chài của gia đình làm lá chắn để hoạt động cách mạng. Hằng ngày, bà cho cuộn cước vào giỏ rồi đi chợ mua đồ dùng tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ. Nhiều lần địch sinh nghi và hỏi: “Ngày nào bà cũng đi chợ làm gì?”. Bà bình tĩnh trả lời: “Tui đi mua cước về đan chài”. Cứ thế, bà âm thầm mua thực phẩm, thuốc men, đồ dùng gửi cho các chiến sĩ và nắm tình hình.

Bà Phạm Thị Lé xem Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày do Chính phủ tặng.

Bà Phạm Thị Lé xem Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày do Chính phủ tặng.

Năm 1971, khi cơ sở bị lộ, bà bị địch bắt và tuyên án 3 năm tù. Sau 3 tháng giam giữ ở nhà lao Nha Trang, chúng chuyển bà qua nhà lao Tân Hiệp (tỉnh Đồng Nai). Trong thời gian bà bị tù đày (từ năm 1971 - 1974), ngoài những hình thức tra tấn man rợ, địch còn đưa ra nhiều cám dỗ, hứa hẹn. Bà Lé kể: “Chúng nấu đồ ăn ngon, dọn ra trước mặt rồi kêu gọi mọi người ăn để quay phim chứng minh với quốc tế là chúng đối xử nhân đạo với tù nhân, nhưng thực tế không phải vậy nên tôi và các chị em kiên quyết không ăn để đấu tranh. Chúng quăng mù cay vào trại giam làm mắt tôi không nhìn thấy gì. Sau này, tôi phải mổ mắt 2 lần mới có thể nhìn thấy lại được. Chúng còn dùng lời lẽ ngon ngọt để dụ dỗ, chiêu hồi nhưng chúng tôi đấu tranh đến cùng, thà hy sinh chứ nhất định không khuất phục”. Sau khi ra tù, bà tiếp tục làm công tác liên lạc ở cơ sở cho đến ngày đất nước giải phóng. Trở về cuộc sống đời thường, bà thay người em trai đã mất nuôi đứa cháu gái khôn lớn và thờ cúng em gái là liệt sĩ.

Biến đau thương thành vần thơ tranh đấu

Năm 1964, khi mới 14 tuổi, bà Trần Thị Bông (quê tỉnh Quảng Nam cũ, nay là TP. Đà Nẵng; sinh năm 1950, hiện cư trú tại phường Nam Nha Trang) đã thoát ly theo Đoàn cán bộ sản xuất, xây dựng căn cứ khu V. Sau đó, bà được cử đi học y tế và về phục vụ cho đoàn. Khi căn cứ bị địch phá hủy, năm 1967, bà được điều động vào tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục làm y tá và xây dựng cơ sở ở các địa phương. Là một cán bộ biệt động nội thành, bà bám dân bám địa bàn để lấy hàng hóa, thực phẩm gửi lên chiến khu V. Bên cạnh công tác cứu thương cho các chiến sĩ, bà còn khéo léo vận động thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến. Đến giữa năm 1968, bà được điều động về lại tỉnh Quảng Nam (cũ) để hoạt động. Tháng 8-1969, bà bị sốt rét và được đưa về nhà chữa trị. Trên đường về, bà cùng đồng đội bị địch phục kích bắt. Khi ấy, bà vừa tròn 19 tuổi.

Bà Trần Thị Bông đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Chính phủ tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.

Bà Trần Thị Bông đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Chính phủ tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.

Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đấu tranh gian khổ trong lao tù, trong mắt bà Bông luôn ánh lên sự kiên định. Địch giam bà ở nhà lao Quảng Tín (TP. Đà Nẵng) và tra tấn dã man bằng nhiều hình thức. Bà nhớ lại, khi đang bị giam tại xà lim, nhận được mảnh giấy của đồng đội đưa vào với nội dung: “Biến đau thương thành hành động, dù có chết cũng không khai”, bà như được tiếp thêm sức mạnh để đấu tranh. “Dù bị châm điện đến ngất xỉu, đổ xà phòng vào miệng, cạo đầu nhốt dưới hầm đất, đánh báng súng vào đầu… nhưng trước sau như một, tôi chỉ nói mình làm công tác y tế nên không biết gì”, bà Bông kể.

Trong 46 tháng bị giam ở nhà lao Quảng Tín và nhà tù Côn Đảo (TP. Hồ Chí Minh), bà đã sáng tác rất nhiều bài thơ để lên án tội ác của địch và khích lệ tinh thần đấu tranh cách mạng. Những đau thương, gian khổ biến thành những vần thơ mạnh mẽ: “Đố ai quét sạch lá rừng/Người tù chính trị không ngừng đấu tranh/Đố ai đào dọn non sông/Lòng tôi vẫn giữ là dân cụ Hồ” (trích bài “Những ngày trong lao tù”). Sau khi ra tù, bà về hoạt động tại nội thành, tiếp tục chiến đấu. Hòa bình lập lại, bà làm công tác phụ nữ ở địa phương. Năm 1976, ba của bà được điều động vào công tác ở Khánh Hòa nên cả gia đình cùng vào. Bà làm công tác y tế ở công ty điện lực cho đến khi về hưu.

Được kết nạp Đảng trong tù

Tuy xuất thân trong gia đình trung nông (ở phường Ninh Diêm cũ, nay là phường Đông Ninh Hòa) nhưng bà Huỳnh Thị Tám (sinh năm 1947, hiện nay cư trú tại phường Nha Trang) có ý thức giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 13 tuổi, bà đi học may; đến năm 17 tuổi là chủ một tiệm may nhỏ. Năm 1964, bà bắt đầu làm cơ sở cho cách mạng ở địa phương. Với khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng trẻo, bà dễ dàng tiếp cận được địch để nắm thông tin tình báo. Đồng thời, tận dụng tiệm may để làm nơi trao đổi thông tin với các cơ sở khác.

Bà Huỳnh Thị Tám xem Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày do Chính phủ tặng.

Bà Huỳnh Thị Tám xem Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày do Chính phủ tặng.

Tháng 6-1965, bà thoát ly lên căn cứ cách mạng Hòn Hèo rồi được cử đi học y tá và về phục vụ tại Bệnh xá Hòn Hèo. Tháng 4-1967, khi quân Nam Hàn ồ ạt đổ qua, càn quét, bà cùng đồng đội bị bắt và giam vào trại giam Phú Tài (tỉnh Gia Lai). Bà kể: “Vào tù chúng dụ dỗ bằng chính trị để mình ký giấy chiêu hồi; không được nữa thì chúng bắt đầu tra tấn dã man bằng nhiều hình thức như: Đổ xà phòng vào miệng, tra điện, biệt giam chuồng cọp, nhốt xà lim… Để giữ vững khí tiết người chiến sĩ các mạng thì mình phải đấu tranh. Mỗi đợt đấu tranh đòi yêu sách với địch kéo dài từ 6 đến 12 ngày. Những cuộc đấu tranh ác liệt, nhiều đau thương, mất mát nhưng chúng tôi nhất quyết không chịu khuất phục trước những yêu cầu của địch”. Chiêu dụ không được, chúng dùng cây gỗ đánh vào đầu làm bà bất tỉnh. Từ đó, đầu óc bà trở nên điên loạn. 3 năm sau, đoàn Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến kiểm tra sức khỏe tù binh, bà được can thiệp để đưa đến bệnh viện chữa trị.

Địch còn đưa bà vào giam giữ tại trại giam ở TP. Cần Thơ. Đến tháng 2-1973, bà là một trong những tù binh được trao trả tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũ (nay là tỉnh Đồng Nai). Bà tiếp tục tham gia hoạt động tại căn cứ cách mạng Hòn Dữ (xã Bắc Khánh Vĩnh) rồi về công tác tại đội hậu cần của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến ngày giải phóng. Đến tận bây giờ, bà Tám vẫn nhớ như in thời khắc thiêng liêng khi được kết nạp Đảng ngay trong nhà lao của địch. Đó là đêm 1-8-1972, đứng bên lá cờ Đảng, bà cùng 1 nữ đồng đội khác vinh dự được kết nạp Đảng và đọc lời tuyên thệ. “Giờ phút thiêng liêng ấy, chẳng bao giờ tôi quên. Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi đã khóc vì vui mừng và tự hào”, bà Tám tâm sự.

Bà Ngũ Thị Hiền - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh: Trong chiến tranh, có nhiều nữ cựu tù cách mạng bị địch bắt, giam giữ, tù đày trong các nhà tù khắc nghiệt như: Côn Đảo, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang… Có những người không chỉ bị địch giam giữ 1 lần mà đến 2, 3 lần; đã chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù nhưng vẫn kiên cường tổ chức, tham gia các hoạt động đấu tranh ngay trong lòng địch; động viên nhau vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn… Trở về với cuộc sống đời thường, trong công việc hay cuộc sống, các nữ cựu tù cách mạng luôn chăm chỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành tấm gương sáng, nhân chứng sống cho thế hệ trẻ noi theo.

CHÂU TƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/nhung-nu-cuu-tu-cach-mang-kien-trung-4f21da0/