Xúc động với chia sẻ của những bà mẹ có con sinh non
Những buồn vui trong lúc sinh con đã được chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Thế giới vì trẻ sinh non 17-11
Những buồn vui này được chị N.T.M (ngụ TP HCM) chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Thế giới vì trẻ sinh non (17-11) do Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) tổ chức ngày 17-11. Những gia đình đã và đang chăm sóc trẻ sơ sinh tham gia như được san sẻ nỗi niềm.
Chị M. cho biết hiện con trai chị được 26 tháng tuổi. Để trở thành em bé khỏe mạnh, có thể đi học như bao trẻ khác là sự nỗ lực rất lớn từ gia đình và các y bác sĩ tại bệnh viện. "Bé sinh non, nhẹ cân, sau đó, phát hiện con bị não úng thủy khiến việc chăm sóc càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ phương pháp kangaroo (Kangaroo Mother Care) và các y, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ, hướng dẫn, mẹ con tôi đã trải qua những năm tháng khó khăn đó" – chị M. xúc động nói.
Còn đối với chị T.T (33 tuổi, ngụ Đồng Nai, cũng đang chăm sóc con theo phương pháp Kangaroo tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ) chuỗi ngày qua giống như là một giấc mơ trở thành hiện thực. "Tôi sinh bé được 600gram khi thai mới 24 tuần tuổi. Tuy nhiên, đến nay, bé đã nặng được hơn 1kg. Tôi không nghĩ sẽ được ôm ấp con vào lòng và chứng kiến con lớn lên từng ngày. Tất cả nhờ phương pháp kangaroo, sự kiên trì của gia đình và sự cố gắng của con. Xin dành lời cảm ơn đặc biệt tới các y, bác sĩ đã giúp gia đình tôi được bên nhau" – chị T. nghẹn ngào.
Theo bác sĩ Nguyễn Diễm Hà, Phó trưởng Khoa sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, trong năm 2023, khoa tiếp nhận khoảng 9.300 trẻ, trong đó số trẻ sinh non dưới 37 tuần là 6.000 trẻ. Đây là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt. Mỗi ngày, trung bình tại khoa chăm sóc điều trị 147 trẻ sinh non.
"50% số trẻ sinh non tháng có tuổi thai từ 28 đến 34 tuần, cân nặng nhỏ nhất là 600gram. Muốn điều trị thành công trẻ sinh non phải hồi sức tích cực sớm từ giây phút đầu tiên, điều trị tốt trong giai đoạn hồi sức. Cuối cùng là phương pháp kangaroo (đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc) giúp trẻ rút ngắn thời gian nằm viện, tăng hiệu quả điều trị" - bác sĩ Hà thông tin.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế, cho biết những năm qua, Việt Nam thực hiện thành công giảm chỉ số tử vong của bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em của Việt Nam đang còn khoảng cách rất xa với các nước như: Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch…
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ sinh non chiếm 19% mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Trong đó, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh phần lớn là do sinh non. Đáng chú ý, những nguyên nhân khiến tử vong sơ sinh ở trẻ có thể được phòng ngừa đơn giản như: phụ nữ có thai cần thăm khám định kỳ nhằm phát hiện các nguy cơ, bất thường, các bệnh lý; ăn uống chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, hợp lý; lao động/luyện tập phù hợp; chăm sóc da kề da và cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn; chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân bằng phương pháp kangaroo…..
Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non). Tại Việt Nam, khoảng 60% trường hợp tử vong ở trẻ là các bé mới sinh.
Theo các chuyên gia y tế, các nghiên cứu gần đây cho thấy phương pháp kangaroo nên được bắt đầu ngay sau sinh, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh được coi là ổn định về mặt lâm sàng. Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ ổn định thân nhiệt; điều hòa nhịp thở, nhịp tim; phòng hạ đường huyết; giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn; kích thích tiêu hóa và giúp trẻ tăng cân; giúp não bộ trẻ phát triển tối ưu; tăng kết nối, gắn kết tình cảm mẹ con và giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh.
Nhằm nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non, cũng như giáo dục cộng đồng về những rủi ro và hậu quả của sinh non, UNICEF Việt Nam đang hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và mở rộng các can thiệp hỗ trợ cứu sống trẻ sơ sinh, bao gồm phương pháp chăm sóc kangaroo (KMC) trên khắp cả nước.