Xúc động xem những tài liệu lưu trữ về QĐND Việt Nam lần đầu tiên được công bố
Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), ngày 4/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức buổi giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia.
Có khoảng 150 tài liệu, hình ảnh được đưa ra giới thiệu phần nào tái hiện về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.
Theo ông Trần Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), đây là khối tài liệu rất quý giá về lịch sử, khoa học, được chọn lọc kỹ lưỡng, phản ánh đầy đủ quá trình hình thành và phát triển của Quân đội ta, phục vụ công tác quản lý, điều hành đất nước trong thời đại ngày nay.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, các tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ các phông tài liệu hành chính: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Nội vụ, Chủ tịch nước/Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Cùng với đó là khối tài liệu sưu tầm và các phông tài liệu ảnh: Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp…, tài liệu của các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm về quân đội như nhạc sĩ Trọng Loan, Doãn Nho, Trọng Bằng..., các nhà văn, nhà thơ.
Những tài liệu lưu trữ được lựa chọn tại sự kiện là tài liệu gốc, có nhiều tài liệu lần đầu tiên được giải mật và công bố mà cơ quan lưu trữ phải trải qua quá trình nhiều năm để giải mật. Các tài liệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng Quân đội nhân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, có những tài liệu về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, tiêu biểu như: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12/1944; Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22/12/1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên; ảnh Lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ngày 22/12/1944...
Tài liệu về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam như: Sắc lệnh số 28 ngày 15/3/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc cử ông Tạ Quang Bửu sung chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 34 ngày 25/3/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc tổ chức Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 60 ngày 6/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Ủy ban Kháng chiến toàn quốc do Quốc hội truy nhận ngày 2/3/1946 nay đổi ra là Quân sự Ủy viên Hội; Công văn về tên gọi của Quân đội Nhân dân Việt Nam…
Cùng với đó là các tài liệu về quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam; chính sách, chế độ đối với bộ đội, dân quân; những hình ảnh trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946-1954; những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954-1975; Quân đội, quốc phòng thời kỳ hòa bình, đổi mới; pháp luật quân đội; khen thưởng công trạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra còn một số tài liệu về các chủ đề khác như: những hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, về những ca khúc được sáng tác trong thời chiến, phục vụ kháng chiến và ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam.
Là một người lính, tham gia quân đội từ năm 15 tuổi, từ binh nhất, binh nhì đến cấp tướng, có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng chia sẻ, do là con một, để được đi vào chiến trường, ông phải xin ý kiến của gia đình và được ba viết thư đồng ý cho đi. Vào chiến trường, sống cuộc đời người lính gian khổ, từng trải qua lằn ranh giữa cái sống và cái chết, từng ngủ trên bãi mìn mà không hề hay biết, nhưng ông thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng với chiếc ba lô trên vai. “Môi trường quân đội là môi trường tốt nhất để rèn luyện con người”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nói.
Ông cũng kể nhiều câu chuyện về ba mình - Thủ tướng Phạm Văn Đồng thời ở Chiến khu Việt Bắc, về tình bạn thân thiết giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về kỷ niệm của Thủ tướng với quân đội, sự đoàn kết, gắn bó như một gia đình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đó...
Theo ông, những tài liệu gốc về lịch sử quân đội, gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là vô cùng quý giá. Từng là Phó Giám đốc Viện Khoa học và Quân sự nhưng đây là lần đầu tiên ông được tiếp cận các văn bản gốc này. Việc công bố các tài liệu lưu trữ là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh thông tin dễ dàng lan truyền nhưng cũng rất dễ “tam sao thất bản”. Cần phát huy giá trị để các tư liệu, tài liệu này đi vào cuộc sống, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, vừa nghiên cứu lịch sử, vừa giáo dục truyền thống cách mạng.
Xúc động khi được xem bản gốc các tài liệu đã được lưu trữ qua 80 năm, ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, để giữ được những tài liệu là xương máu của bao thế hệ. Rất nhiều bài học chúng ta có thể học từ những tài liệu lịch sử này.
“Ba tôi từng nói, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại oanh liệt nhất trong dòng chảy lịch sử của dân tộc”, dẫn câu nói này, ông Võ Hồng Nam cho biết, 80 năm trước, ngày 22/12/1944, trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc diễn văn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Lúc đó lực lượng chỉ có 34 người, gồm 29 người là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong các kế hoạch tác chiến trước đây đều đặt ra vấn đề tương quan lực lượng. So sánh tương quan lực lượng trong suốt hai cuộc kháng chiến, về cơ bản ta yếu hơn địch, nhưng nếu phát hiện được quy luật, vận dụng được quy luật, hành động theo quy luật thì ta nhất định thắng.
Cho biết, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết hồi ký tổng kết lịch sử là nhiệm vụ, trách nhiệm đối với nhân dân, với quân đội, ông Võ Hồng Nam kể, Đại tướng luôn dặn các đồng chí trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và các đồng đội của ông sau này là phải viết về lịch sử, tổng kết lịch sử. Các đồng chí đã tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phải viết về tình đồng đội, nghĩa đồng bào, viết để các thế hệ sau hiểu được về quá trình đấu tranh giải phóng và viết cho những người đã nằm xuống.
“Đó là những bài học nhân dân và quân đội trả bằng máu. Những tư liệu này là tư liệu gốc, vô giá, giữ được 80 năm là vô cùng quý. Ba tôi nói viết về sự kiện lịch sử, con người, tình cảm đồng bào, đồng chí đó là quan trọng nhất và viết ngắn thôi”, ông Nam nhắn nhủ.