Xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào thành phố Huế
Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, nằm ở vị trí trung tâm và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng nên UBND TP. Huế đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư đến hợp tác, xây dựng và phát triển thành phố theo hướng bền vững trên nền tảng các giá trị di sản, văn hóa, góp phần chung tay xây dựng TP. Huế trở thành một địa phương năng động, đáng sống, là điểm đến của cả Việt Nam và khu vực.
Với lợi thế đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, Huế là thành phố không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là vùng đất tiềm năng cho các nhà đầu tư trong tương lai. Sau hơn 1 năm mở rộng, TP. Huế không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và núi với quy mô, cơ cấu kinh tế có nhiều thay đổi. Việc mở rộng quy mô đất đai, dân số tạo cho thành phố nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội thu hút đầu tư.
Trong định hướng bảo tồn - phát triển, những gì thuộc về di sản, thành phố giữ gìn và tôn tạo để phát triển một không gian đô thị xanh cùng với một hệ sinh thái độc đáo. Không gian đô thị đó được xem là giá trị đặc biệt hiếm có của thế giới - nơi nhiều nhân sĩ trí thức, nhà đầu tư, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Để đón chào các nhà đầu tư đến với Huế, thời gian qua thành phố đã và đang cải cách mạnh mẽ thể chế, với việc hình thành Trung tâm hành chính tập trung, một “one-stop shop” thật sự của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong việc xử lý các thủ tục hành chính. Đồng thời, thành lập Tổ công tác hỗ trợ thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố, nơi hỗ trợ đầu tư theo tinh thần “đồng hành với nhà đầu tư để cùng cống hiến, xây dựng TP. Huế”.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chính sách và môi trường đầu tư thông thoáng, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển dịch vụ chính phủ điện tử và các cam kết hỗ trợ đầu tư đi kèm, thành phố hướng đến rút ngắn hơn nữa khoảng cánh giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư, DN.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường, xã trực thuộc thành phố, hiện thành phố có diện tích tự nhiên là 265,99km2 (tăng 3,76 lần) và dân số là 652.572 người (tăng 1,8 lần). Là Thành phố Festival của Việt Nam từ năm 1992, thành phố hội đủ các đa dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng, sông hồ, biển tạo thành một không gian cảnh quan thiên nhiên - đô thị - văn hóa lý tưởng để tổ chức các loại hình Festival và các hoạt động du lịch thể thao khác nhau với các danh hiệu tiêu biểu như “Thành phố Festival của Việt Nam”, “Thành phố Văn hóa ASEAN”, Thành phố xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn…
Ngoài ra, Huế còn có Bệnh viện Trung ương Huế nằm ở trung tâm thành phố là trung tâm y tế chuyên sâu ở Việt Nam với đẳng cấp và uy tín đã được chứng minh không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế; là trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao khi tập trung các trường học đạt chuẩn quốc gia từ tiểu học đến trung học như Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là một trong những ngôi trường lâu đời với các thành tích nổi trội và Đại học Huế cùng với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học đào tạo nghề, tất cả tạo nên cho TP. Huế một hệ thống giáo dục đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng tất cả các nhu cầu đào tạo từ trung cấp đến cao cấp.
Lợi thế nữa khi Huế là thành phố nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ với các trung tâm kinh tế đang phát triển nhanh như khu khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Chân Mây, TP. Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Dung Quất... TP. Huế hiện đang là đô thị loại I của Việt Nam và với tiêu chí phát triển thành phố xanh - sạch - sáng, định hướng thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, đây chính là một thành phố rất tiềm năng trong tương lai, đồng thời là nơi có cửa ngõ giao thương thuận lợi khi nằm cạnh trục giao thông quan trọng của đất nước, trên trục xuyên Bắc - Nam, của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần tuyến hành lang Đông - Tây của tuyến đường Xuyên Á.
Theo đó, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, bao gồm tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường bộ ven biển qua thành phố và hệ thống đường ngang kết nối đồng bộ; nằm cạnh đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được xây dựng, trong tương lai tuyến đường này sẽ là trục động lực xuyên miền Trung, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A. Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển qua thành phố và cầu qua cửa Thuận An được xây dựng với mục tiêu hình thành tuyến đường du lịch ven biển xuyên suốt từ Bắc đến Nam. Dự án này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân tại các xã ven biển nói riêng và TP. Huế nói chung.
Thuận tiện hơn, TP. Huế chỉ cách Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài 16km; có bờ biển dài hơn 22km và cảng Thuận An (cảng loại II của địa phương) với độ sâu tự nhiên từ 9 đến 14m, có thể tiếp nhận tàu 2.000 tấn; tuyến đường sắt chạy dọc Quốc Lộ 1A với chiều dài hơn 20km dễ dàng trong việc vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh Cụm công nghiệp An Hòa đang được mở rộng, TP. Huế đang lập kế hoạch xây dựng 2 cụm công nghiệp mới là Cụm Công nghiệp Hương An và Cụm Công nghiệp Thủy Bằng để kêu gọi các DN đến với Huế phát triển các ngành công nghiệp nặng và nhẹ. Đặc biệt, Festival Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho vùng đất Cố đô.