Xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước
Hoạt động xúc tiến thương mại đặt mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm trước mắt khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 và về lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác các cơ hội từ FTAs.
Đối với thị trường trong nước
Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối để phát triển thị trường trong nước, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, giữa các vùng miền thông quan hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Đồng thời, kết nối giữa các nhà cung ứng, vùng nguyên liệu với các nhà chế biến nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chương trình quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền, chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước.
Qua đó quảng bá chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm sản xuất trong nước, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng nhằm giúp doanh nghiệp củng cố vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước, khai thác tiềm năng của thị trường trong nước và góp phần phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.
Đối với thị trường xuất khẩu
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành, địa phương để công tác XTTM gắn kết chặt chẽ hơn chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp, nông thôn từ quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu đến phát triển sản phẩm; thiết kế bao bì mẫu mã, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, thâm nhập sâu vào hệ thống phân phối trong nước và thị trường xuất khẩu với giá trị thương mại được gia tăng.
Thứ hai, với định hướng phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản bền vững, đã đến lúc phải quyết liệt thay đổi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hay các tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường nhập khẩu.
Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng các đề án, kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất của các ngành hàng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, Bộ đã giao Cục Xúc tiến thương mại xây dựng đề án và triển khai hệ sinh thái xúc tiến thương mại một cách toàn diện, hiệu quả, tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin và xu hướng chuyển đổi số.
Hệ sinh thái xúc tiến thương mại này sẽ là nền tảng tích hợp nhiều công cụ thuận tiện và khoa học nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu và giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu;
Cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu XTTM phục vụ các tổ chức XTTM, các Thương vụ và cộng đồng doanh nghiệp; hệ thống về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trực tuyến giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như đạt các điều kiện cần và đủ khi mở rộng thị trường xuất khẩu; Hội chợ triển lãm trực tuyến; đào tạo trực tuyến (E-learning)...
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành và các đơn vị liên quan triển khai đa dạng hóa các hình thức XTTM tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trước mắt ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục sau dịch Covid-19.
Về lâu dài, tập trung đẩy mạnh XTTM đối với các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, các nước CPTPP...
Đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU, CPTPP ưu tiên các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ hiệp định CPTPP và EVFTA.
Thứ tư, Bộ Công Thương đang và sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam ở cả thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao, có thị hiếu coi trọng và ưa thích tiêu dùng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như EU.
Thực tế tại Việt Nam, hầu hết các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đều tập trung trong nhóm ngành nông sản, thực phẩm.
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo về chất lượng, và do vậy thường mang tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm mang nhãn hiệu thông thường.
Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý còn là sứ giả mang văn hóa khu vực mà hàng hóa được sản xuất ra đến các vùng miền khác, đất nước khác.
Thứ năm, một số loại sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thực tế chưa có sức cạnh tranh với các sản phẩm các nước khác cùng khu vực, nguyên nhân chính do khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.
Hầu hết phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sơ chế đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu nên giá rất thấp, người sản xuất kinh doanh chịu rất nhiều thua thiệt.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hoạt động XTTM hỗ trợ theo chiều sâu như đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm như EuroGAP, VietGAP, GlobalGAP.
Đồng thời kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu.