Xúc tiến thương mại tạo đầu ra hiệu quả cho sản phẩm Việt

Trước bối cảnh khó khăn, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm có thế mạnh.

Trước bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị tác động và gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm có thế mạnh.

Công ty cổ phần Dh Foods thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh minh ho

Công ty cổ phần Dh Foods thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh minh ho

Chia sẻ về hiệu quả thông qua xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty cổ phần Dh Foods cho biết, từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước như Vietfood, Food Expo sau đó là các triển lãm quốc tế tại Thái Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản…Qua đó, các nhà mua hàng nước ngoài đến tìm hiểu và từng bước sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra thế giới.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, từ đầu năm 2023 đến nay, Dh Foods ít nhất đã tham gia 3 hội chợ - triển lãm lớn tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều đối tác đã qua tận công ty để đàm phán đơn hàng. Đặc biệt, khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, Dh Foods được Bộ Công Thương hỗ trợ chi phí gian hàng hoặc miễn phí nên đã tận dụng được những cơ hội nhỏ nhất.

Ông Đỗ Quốc Hưng Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, khu vực Á – Phi là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi đạt kết quả đáng khích lệ ở mức 500 tỷ USD, chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất nhập khẩu của cả nước.

Hiện nay đứt gãy chuỗi cung ứng đang hiện hữu và xảy ra thường xuyên. Nhiều nước đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp phải đa dạng nguồn cung đầu vào, nhất là nguồn cung đầu vào một số mặt hàng như phân bón, nguyên phụ liệu da giày.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, nếu trước đây, nhiều nguyên phụ liệu Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc nhưng hiện nay doanh nghiệp có nhiều nguồn cung khác như ở khu vực Nam Á, Ấn Độ. Hơn nữa, các nước nhập khẩu đều yêu cầu sản phẩm xanh, sạch, an toàn nên doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, sản xuất hữu cơ với nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu từ thị trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bởi vẫn còn nhiều thị trường ngách mà doanh nghiệp chưa khai thác hết. Điển hình như thị trường Trung Quốc dù giáp Quảng Tây, Vân Nam nhưng thời gian qua Việt Nam mới chỉ tập trung vào Quảng Tây với kim ngạch khoảng 30 tỷ USD.

Trong khi đó, Vân Nam quy mô dân số tương đương Quảng Tây song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD. Cùng với đó là các thị trường như Ấn Độ, châu Phi, và khối các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam.

Nhìn nhận về xúc tiến thương mại từ đầu năm đến nay, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, nửa đầu năm 2023 Cục đã tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ; giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống; thực hiện hiệu quả hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới, tiềm năng... Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn.

Trong nội dung này, thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục đã hỗ trợ hơn 1.600 lượt doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp; trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia hội chợ quốc tế.

Đặc biệt, các đề án tham gia triển lãm, giao thương tại Trung Quốc đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận "thị trường tỷ dân" bài bản hơn. Từ đó chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững.

Cũng trong thời gian này, Cục đã tổ chức 6 Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, các chuyên đề chuyên sâu theo nhóm thị trường châu Phi - Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và theo nhóm ngành hàng xuất khẩu.

Theo đó, các Thương vụ đã cập nhật về tình hình thị trường sở tại, đánh giá cơ hội cũng như những rủi ro, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại với Việt Nam, định hướng xu hướng phát triển xuất khẩu mới. Đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần cải thiện thương mại Việt Nam với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Hoa quả Việt Nam bày bán tại hội chợ xúc tiến thương mại hàng nông sản ở Australia. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Hoa quả Việt Nam bày bán tại hội chợ xúc tiến thương mại hàng nông sản ở Australia. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Theo ông Vũ Bá Phú, từ nay đến cuối năm Cục sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, khai thác hiệu quả FTA, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua đoàn giao thương, hội chợ triển lãm, hội nghị quốc tế, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; hội nghị giao ban với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng đầu tư, thương mại với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài...

Đặc biệt, phát triển và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam thông qua việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia và sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên phương tiện truyền thông, tại sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và sự kiện ngoại giao, văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Để hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chặt chẽ, ông Vũ Bá Phú đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tích cực, trách nhiệm với các chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại, Nhịp cầu Thương vụ.

Cùng đó, tư vấn triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu ở địa bàn sở tại trong những tháng cuối năm cũng như trong trung và dài hạn; tiếp tục làm tốt việc phối hợp cung cấp thông tin, kết nối đối tác xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và nước ngoài.

"Các địa phương, hiệp hội ngành hàng chia sẻ thông tin về tình hình, nhu cầu, yêu cầu xuất nhập khẩu của địa phương ngành hàng, đề xuất cụ thể cần sự phối hợp, hỗ trợ của từng Thương vụ tại từng thị trường cụ thể thông qua chuỗi chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam định kỳ hàng tháng; chuyển tải thông tin hữu ích từ chuỗi chương trình do Thương vụ cung cấp tới tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp tại địa phương/hiệp hội", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuc-tien-thuong-mai-tao-dau-ra-hieu-qua-cho-san-pham-viet/299170.html