Xung đột, biến đổi khí hậu cũng vì... dầu mỏ
Trải suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi tiến hành một cuộc chiến hay hỗ trợ một chế độ, các quan chức Anh luôn nói rằng họ làm là vì ủng hộ nhân quyền và dân chủ. Thế nhưng, theo phanh phui trên Tạp chí Declassfied, tất cả đều là vì dầu mỏ hoặc địa chính trị.
Từ Trung Đông đến Venezuela
Theo các tài liệu giải mật gần đây được công bố công khai, gã khổng lồ dầu khí Vương quốc Anh BP đã khai thác số dầu trị giá hơn 18 tỷ USD tại Iraq, kể từ khi quân đội Anh và Mỹ tấn công nước này vào năm 2003. Trong khi đó, Chính phủ London và Washington từ lâu đã phủ nhận chiến tranh Iraq là vì dầu mỏ.
Điều tương tự đã xảy ra ở Libya sau lần can thiệp quân sự khác của Anh vào năm 2011. Tức 11 năm sau cuộc chiến đó, vào tháng 10-2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã đồng ý cho BP khoan khí đốt tự nhiên ở nước này. Hiện BP kiểm soát các khu vực thăm dò ở Libya. Và Libya vẫn rơi vào cuộc nội chiến chưa có hồi kết.
Các hồ sơ được giải mật cũng cho thấy, chính quyền của Thủ tướng Anh Harold Wilson đã bí mật trang bị vũ khí và ủng hộ cuộc xâm lược của Nigeria chống lại khu vực ly khai Biafra vào cuối những năm 1960. Ưu tiên một lần nữa là lợi ích dầu mỏ, lúc đó thuộc sở hữu chung của BP và Shell. Cuộc chiến ở Biafra là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới vào cuối những năm 1960, khiến tới 3 triệu người thiệt mạng.
Ở Ai Cập, Anh đã giúp đỡ Abdul Fattah al-Sisi kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014, sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước. Điều khiến Anh ủng hộ nhà độc tài này cũng chính là dầu mỏ. Năm 2015, 1 năm sau khi Sisi nắm quyền, BP đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 9 tỷ USD vào dự án phát triển khí đốt ở vùng đồng bằng Tây sông Nile, bao gồm 5 mỏ khí đốt. Công ty hiện nắm giữ 83% cổ phần trong dự án, chiếm 25% sản lượng khí đốt của Ai Cập. Trong những thập niên gần đây, BP đã sản xuất gần 40% lượng dầu của Ai Cập và hiện sản xuất 50% lượng khí đốt của nước này.
Xung đột, đảo chính, chế độ độc tài và biến đổi khí hậu... tất cả vì lợi ích dầu mỏ.
Chế độ độc tài Oman cũng là đồng minh thân cận nhất của Anh ở Trung Đông. Quốc vương trước đây của nước này, người đã cai trị trong 50 năm, được bổ nhiệm vào năm 1970 trong cuộc đảo chính do SAS (lực lượng không quân đặc nhiệm của Anh) hậu thuẫn, và nước này cũng là nơi đặt các căn cứ bí mật của tình báo Anh.
BP có các khoản đầu tư lớn vào Oman, bao gồm cả cái mà họ gọi là “mỏ khí Khazzan khổng lồ”, trong đó công ty sở hữu 60% cổ phần (tỷ lệ rất cao theo tiêu chuẩn quốc tế) khiến người Oman chỉ còn 40%.
Tại Iran, năm 1953, MI6 (tình báo Anh) và CIA đã lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của đất nước, để chống lại việc Tehran quốc hữu hóa ngành dầu mỏ. Hồ sơ cho thấy nước Anh thích một nhà độc tài nắm quyền ở Tehran, người sẽ phục vụ cho việc tìm kiếm lợi nhuận của BP. Vì vậy, London và Washington đã bổ nhiệm Shah, người cai trị bằng bàn tay sắt trong 1/4 thế kỷ tiếp theo với sự hậu thuẫn của Anh và Mỹ.
40 năm trôi qua, MI6 được cho đã tham gia 2 cuộc đảo chính ở Azerbaijan giàu dầu mỏ vào năm 1992 và 1993, để thúc đẩy lợi ích dầu mỏ của Anh, đặc biệt là của BP tại quốc gia này. Lợi ích dầu mỏ cũng là lý do giải thích việc Anh tìm cách loại bỏ chính phủ Nicolás Maduro ở Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Kết nối tình báo
BP được thành lập vào năm 1909 với tên Công ty Dầu mỏ Anh-Ba Tư và đổi tên thành Công ty Dầu khí Anh (BP) vào năm 1954. Tập đoàn này từ lâu đã thân thiết với Cơ quan Tình báo Bí mật của Anh (MI6). Trong bài báo năm 2007 trên Mail on Sunday, một người tố cáo công ty đã tuyên bố "BP đang hợp tác chặt chẽ với MI6 để giúp giành được công việc kinh doanh… và gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị của các chính phủ".
Từ lâu đã có sự “trao đổi nhân sự” giữa BP và MI6, cũng như chính phủ Anh. Chẳng hạn, cựu Giám đốc MI6, Sir John Sawers, đã gia nhập tập đoàn với tư cách là giám đốc không điều hành vào tháng 5-2015. Trong 7 năm tiếp theo, Sawers đã kiếm được 1,1 triệu bảng Anh tiền thù lao từ công ty và tích lũy số cổ phần trị giá 135.000 bảng Anh vào năm ngoái.
Sawers từng là cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Blair từ năm 1999-2001, vào tháng 5-2003 được bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt đầu tiên của Anh tại Iraq. Một nhân vật cấp cao khác của MI6, cựu Giám đốc chống khủng bố Sir Mark Allen, cũng gia nhập BP sau khi rời khỏi chính phủ, giúp công ty đàm phán hợp đồng khoan dầu trị giá 15 tỷ bảng Anh với Muammar Gaddafi, nhà độc tài Libya lúc bấy giờ.
Các quan chức cấp cao trở thành cố vấn cho BP bao gồm Tướng Nick Houghton, cựu Tham mưu trưởng Quốc phòng và Lord George Robertson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, người sau này trở thành Tổng thư ký NATO.
Trong khi đó, các lãnh đạo của BP có thể tham gia chính phủ. John Manzoni, người đã làm việc 24 năm tại BP, kể cả trong HĐQT của công ty, trước khi trở thành Thư ký thường trực của Văn phòng Nội các - một trong những công chức cấp cao nhất của Vương quốc Anh - và Giám đốc điều hành của Cơ quan Dân sự từ năm 2014-2020…
Việc Anh thúc đẩy quyền lợi cho BP đã gây ra những hậu quả lớn. Tập đoàn hoạt động tại hơn 60 quốc gia là một trong 4 doanh nghiệp toàn cầu chịu trách nhiệm về hơn 10% lượng khí thải carbon trên thế giới kể từ năm 1965 (3 doanh nghiệp còn lại là Shell, Chevron và Exxon).
Nhóm chiến dịch Global Justice Now ước tính tác động của BP đối với biến đổi khí hậu có thể khiến các quốc gia ở phía Nam bán cầu thiệt hại khoản tiền khổng lồ 1.560 tỷ USD. Trong cuộc khảo sát gần đây, công chúng Anh coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh số 1. Điều này có nghĩa BP đóng vai trò quan trọng trong việc gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân Anh và công chúng thế giới.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xung-dot-bien-doi-khi-hau-cung-vi-dau-mo-post109400.html