Xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc: Tưởng dễ, hóa khó
Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc có thể tạm thời hạ nhiệt, song quan hệ giữa hai nước láng giềng còn nhiều thách thức khó giải quyết một sớm một chiều. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Dễ hạ nhiệt
Gần đây, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc được cho là sẽ hạ nhiệt, thể hiện ở ba dấu hiệu sau.
Đầu tiên, ngày 21/2, tờ Times of India đưa tin vòng đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 10 giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã kết thúc sau 16 giờ tại khu vực Moldo bên phía Trung Quốc ở Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Cuộc thảo luận tập trung vào việc tiếp tục rút quân tại ba điểm tranh chấp ở khu vực phía Đông Ladakh gồm cao nguyên Gogra, khu vực Hot Springs và Depsang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết, việc rút quân của Ấn Độ và Trung Quốc khỏi LAC đã đạt được sau đàm phán kéo dài ở cấp quân sự và ngoại giao.
Theo ông, các bước tiếp theo đã được Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh “thông báo rõ ràng” trong bài phát biểu tại Quốc hội.
Thêm vào đó, ngày 22/2, Reuters cho biết Ấn Độ đang xem xét cấp phép 45 hồ sơ xin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có dự án của nhiều tập đoàn lớn như Great Wall Motor và SAIC Motor.
Đây đều là các hồ sơ bị “treo” từ giữa năm ngoái, sau khi New Delhi thắt chặt kiểm soát với doanh nghiệp Trung Quốc nhằm trả đũa Bắc Kinh.
Thêm vào đó, dù hầu hết dự án này thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo, ít nhạy cảm hơn với an ninh quốc gia và đang được Ấn Độ khuyến khích, song đây vẫn là bước đi thiện chí từ phía chính quyền Thủ tướng Narendra Modi.
Cũng trong ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh ủng hộ New Delhi đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong năm nay vat sẽ cùng Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trong nhóm.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS có thể là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thảo luận, hạ nhiệt căng thẳng, cùng nhau tháo gỡ bất đồng.
Khó hóa giải
Quan hệ song phương có thể tạm thời hạ nhiệt, song giữa Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại nhiều khác biệt căn bản, khó giải quyết.
Thứ nhất, Ấn Độ nhìn nhận sự trỗi dậy, tầm ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc đe dọa tới vị thế của New Delhi tại châu Á-Thái Bình Dương và cần được kiểm soát. Tính cạnh tranh thể hiện rõ nét không chỉ tại biên giới hai nước, mà còn trong nhiều lĩnh vực, thậm chí là ở một quốc gia Nam Á khác là Sri Lanka.
Cuối tháng 1, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết “quan ngại về địa chính trị trong khu vực” đã thúc đẩy chính phủ nước này hồi sinh dự án đầu tư của Ấn Độ-Nhật Bản nhằm phát triển Cảng Container Nước sâu (ECT) ở thủ đô Colombo.
Song đầu tháng 2, dự án này đã bị hủy bỏ. Quyết định này cho thấy Sri Lanka lại chao đảo giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài ra, tại họp Bộ tứ ngày 18/2, Ngoại trưởng Ấn Độ, cùng người đồng cấp Mỹ, Australia và Nhật Bản đã phản đối mọi nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh cam kết của New Delhi, quan tâm của các quốc gia trong và ngoài khu vực với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tăng lên. Cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ M.K. Bhadrakumar nhận định Ấn Độ là một trong những quốc gia hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm.
Thứ hai, dù đã xem xét cấp phép 45 hồ sơ của doanh nghiệp Trung Quốc, song chưa có dấu hiệu gì cho thấy Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm 267 ứng dựng của quốc gia láng giềng, được áp đặt ngày 25/11/2020.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ cho biết lệnh cấm được áp dụng theo Đạo luật Công nghệ thông tin, đồng thời cho rằng các ứng dụng của Trung Quốc liên quan đến các hoạt động gây tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ.
Danh sách các ứng dụng bị cấm cho thấy đây không đơn thuần là đòn trả đũa của New Delhi với các động thái của Bắc Kinh tại biên giới, mà còn thể hiện nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm sự lệ thuộc vào sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc.
Đây cũng là cách chính phủ Thủ tướng Narendra Modi bảo vệ lợi ích của các công ty trong nước trước các đối thủ nước ngoài, trong bối cảnh Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng, với nền kinh tế Internet phát triển nhanh nhất thế giới.
Danh sách các ứng dụng bị cấm cho thấy đây không đơn thuần là đòn trả đũa của New Delhi với các động thái của Bắc Kinh tại biên giới, mà còn thể hiện nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm sự lệ thuộc vào sản phẩm Trung Quốc.
Thứ ba, ngay cả khi vòng đàm phán tư lệnh cấp quân đoàn Ấn Độ-Trung Quốc kết thúc và hai nước đã tiến hành rút quân giai đoạn 1 khỏi các điểm nóng tranh chấp trên LAC ở Đông Ladakh, nguy cơ đụng độ, xung đột giữa hai bên là vẫn còn.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava, hai nước vẫn chưa khẳng định thời điểm thiết lập cơ chế làm việc để tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.
Thực tế cho thấy cơ chế đàm phán giữa cấp tư lệnh quân đoàn trên thực địa không thực sự hiệu quả khi chỉ đạt đồng thuận sau 10 lần họp. Hai bên cần sớm thiết lập cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về biên giới, để tránh xảy ra các va chạm ngoài ý muốn, dẫn đến thương vong và đối đầu.
Khi ấy, quan hệ New Delhi-Bắc Kinh đi đâu, về đâu, “khởi động lại” ra sao trong năm 2021, sẽ phụ thuộc không nhỏ vào cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-bien-gioi-an-do-trung-quoc-tuong-de-hoa-kho-137603.html