Xung đột Gaza: Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn
Với 312 phiếu thuận, 131 phiếu chống và 72 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn sau khi tất cả các con tin được 'trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện' và 'tổ chức khủng bố Hamas bị giải tán'.
Nghị viện châu Âu đề nghị cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ tại Dải Gaza, kêu gọi một “sáng kiến của châu Âu nhằm đưa giải pháp hai nhà nước trở lại đúng hướng”. Đồng thời, các thành viên nghị viện cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tòa án Hình sự quốc tế và Tòa án Công lý quốc tế, tuyên bố “những kẻ chịu trách nhiệm về các hành động khủng bố và vi phạm luật pháp quốc tế phải chịu trách nhiệm”.
Trong cuộc họp báo tối 18-1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ triển vọng thành lập nhà nước Palestine sau khi xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza kết thúc.
Ông Netanyahu đưa ra tuyên bố này sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Israel sẽ không thể đạt được an ninh thực sự nếu không có “con đường” dẫn đến một nhà nước Palestine, theo Times of Israel.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng phủ nhận việc không thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant thông tin về một thỏa thuận gửi thuốc cho các con tin Israel ở Dải Gaza, đồng thời, bác bỏ việc cho phép giao thuốc không thông qua kiểm tra an ninh.
Theo nhà chức trách, 5 xe tải chở thuốc, bao gồm những loại thuốc quan trọng dành cho những con tin bị Hamas giam giữ trong hơn 100 ngày, đã được chuyển tới Dải Gaza ngày 17-1 sau khi Israel tiến hành kiểm tra an ninh.
Lô hàng này bao gồm thuốc, cũng như vật tư y tế, thực phẩm và viện trợ nhân đạo khác cho người Palestine ở Dải Gaza đang bị chiến tranh tàn phá như một phần của thỏa thuận do Qatar và Pháp làm trung gian.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết đã “bỏ qua” Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vì cơ quan này đã không giúp ích gì cho những nỗ lực trước đây của Israel trong việc cung cấp thuốc cho con tin.
Trả lời câu hỏi về viện trợ nhân đạo, ông Netanyahu tuyên bố, Israel chỉ cho phép viện trợ với số lượng “tối thiểu” cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo.