Xung đột giữa người và động vật hoang dã (1): Voi vẫy xe, hà mã vào thị trấn

Ở Uganda, voi nhiều khi đứng rất gần đường, trông giống như chúng có thể vẫy vòi đi nhờ xe. Còn vào ban đêm, hà mã đi lang thang vào thị trấn.

Bạn sẽ làm gì nếu bạn là hàng xóm của một con voi? Ở miền tây Uganda, câu trả lời là: Bạn sẽ xây một hàng rào nhưng đó phải là hàng rào “hiền lành”. Hàng rào đó phải có khả năng tạo ra một cú điện giật mạnh và lớn nếu bạn muốn mùa màng của mình vẫn an toàn đến mùa thu hoạch.

Hàng rào để bảo vệ mùa màng

Một hàng rào như vậy chính là thứ họ có ở đây trên con đường dẫn từ Kikorongo đến Kasese, một thị trấn nhỏ dưới chân dãy núi Rwenzori. Nó chạy dọc theo một xa lộ hai làn xe dẫn về phía nam từ Kasese đến Cộng hòa Dân chủ Congo, cách khoảng một giờ lái xe. Một bên hàng rào là những ngôi nhà nhỏ và trang trại với những mảnh vườn trồng khoai mỡ, đậu, khoai tây và các loại cây trồng khác. Bên kia là Công viên Quốc gia Queen Elizabeth, một vùng đất hoang dã rộng 1.978 km2 với đàn voi châu Phi, sư tử, hà mã, trâu rừng và các loài khác.

Đây là những loài động vật lớn và chúng không phải lúc nào cũng hòa thuận với những người hàng xóm là con người chúng ta. Hàng rào này, có thể tạo ra cú điện giật mạnh đối với bất kỳ thứ gì chạm vào nó, là một trong những cách mà các nhà chức trách công viên quốc gia đang cố gắng giải quyết vấn đề đó.

Rào điện để ngăn voi vào phá ruộng vườn

Rào điện để ngăn voi vào phá ruộng vườn

Selvest Masereka, nhân viên của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda (UWA) khi đứng cạnh một đoạn hàng rào đã khoe: "Một khi con voi nào đã nếm thử mùi điện giật, nó sẽ không bao giờ quay trở lại”.

Việc phá hoại ruộng vườn, chủ yếu là do voi, đã trở thành một vấn đề lớn xung quanh Công viên Quốc gia Queen Elizabeth trong những năm gần đây. Sau nhiều thập niên nạn săn trộm hoành hành, các nhà chức trách công viên đã làm tốt công tác bảo vệ loài voi của mình và số lượng của chúng đã tăng lên. Nhưng tần suất chúng vượt qua ranh giới vô hình giữa công viên quốc gia và các vùng xung quanh, nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người cũng tăng theo. Hầu hết chúng vượt biên để tìm kiếm thức ăn dễ dàng từ các khu vườn rau xung quanh Kikorongo.

Những chuyến viếng thăm này không được người dân chào đón và thường gây nguy hiểm cho con người. Đàn voi có thể phá toàn bộ vụ thu hoạch của người nông dân. Trong khi đó, không dễ để đuổi một con voi đi. Thậm chí với một số con rất hung dữ, bạn có thể mất mạng nếu chọc tức chúng.

Trên khắp châu Phi, xung đột giữa con người và động vật hoang dã kiểu như thế này ngày càng gia tăng và đang trở thành thách thức bảo tồn, đặc biệt là xung quanh các khu vực được bảo vệ như Công viên Quốc gia Queen Elizabeth. Gần ba phần tư các nước châu Phi cho biết xung đột giữa người và động vật là "mối quan ngại lớn hoặc nghiêm trọng", tỷ lệ cao nhất trong bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Voi vẫy xe, hà mã lang thang

Cảnh quan như Công viên Quốc gia Queen Elizabeth thường trông giống như vùng đất hoang sơ chưa được khai thác trong các phim tài liệu về thiên nhiên. Thế nhưng, trên thực tế, chúng thường bị bao vây bởi hoạt động của con người. Ở đây, voi nhiều khi đứng rất gần đường, trông giống như chúng có thể vẫy vòi đi nhờ xe. Còn vào ban đêm, hà mã đi lang thang vào một số thị trấn rồi rời đi trước khi mặt trời ló rạng.

Voi có thể lang thang rất gần đường tạo cảm giác nguy hiểm cho tài xế

Voi có thể lang thang rất gần đường tạo cảm giác nguy hiểm cho tài xế

Khi chúng chạm trán với những người sống trong những thị trấn đó, hậu quả có thể rất bi thảm. Xử lý những sự cố này là một phần lớn trong công việc của UWA. Là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công viên và động vật hoang dã, UWA có rất nhiều việc phải làm và không được người bản địa có cảm tình.

Trong lịch sử, đã có những tranh chấp về việc ai sở hữu đất đai và người ta thường nghe người dân bản địa phàn nàn rằng các quy tắc nghiêm ngặt về quyền tiếp cận được viết ra mà không tính đến lợi ích của họ. Khi động vật hoang dã ăn hết mùa màng hoặc làm tổn thương người thân của họ, điều đó sẽ thúc đẩy những sự oán giận từ dân bản địa. Đôi khi chính những loài động vật này phải chịu sự phản ứng dữ dội hay tệ hơn là bị trả thù.

Kể từ khi loài người tồn tại, chúng ta đã có mối quan hệ với động vật hoang dã dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng khi con người thống trị Trái đất, các môi trường sống hỗ trợ quần thể động vật hoang dã ngày càng bị thu hẹp và bị cơ sở hạ tầng kinh tế chèn ép. Trong những khu vực chồng lấn kiểu này, việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa con người và động vật là rất quan trọng.

Không có giải pháp chung cho tất cả. Ở một số thị trấn xung quanh công viên, những con voi phá hoại ruộng vườn là trung tâm của xung đột giữa con người và động vật hoang dã. Ở những nơi khác, sư tử hoặc cá sấu là vấn đề lớn hơn. Công viên Quốc gia Queen Elizabeth cũng có phần khác thường đối với một công viên quốc gia lớn: Có 11 thị trấn như ốc đảo biệt lập nằm sâu bên trong ranh giới của công viên này, có lịch sử và mối quan hệ riêng với động vật hoang dã xung quanh đây.

Người dân ở các thị trấn như Kikorongo - nằm bên ngoài công viên, đang kêu gọi xây dựng thêm hàng rào. Nhưng ở các thị trấn biệt lập trong công viên, nhiều người phản đối mạnh mẽ việc xây dựng hàng rào. Lý do đơn giản là hàng rào khiến cho cuộc sống của người dân trong ốc đảo trở nên bất tiện. Vì vậy, họ thà sống chung với voi còn hơn sống chung với hàng rào điện.

Ở những thị trấn đó, nơi luật bảo tồn là nguồn gây ra xung đột, việc giải quyết mâu thuẫn giữa con người và động vật hoang dã cần phải nhẹ nhàng. Nhưng một số nơi khác, vẫn cần đến lưới điện thế 9.000 volt để giải quyết (hay tạo ra?) xung đột.

(còn tiếp)

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xung-dot-giua-nguoi-va-dong-vat-hoang-da-1-voi-vay-xe-ha-ma-vao-thi-tran-228473.html