Xung đột Hamas - Israel: Ai Cập, Anh, Pháp thúc đẩy tìm giải pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 10/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp David Cameron của Anh và Stephane Ségournet của Pháp, thảo luận diễn biến tình hình tại Dải Gaza.
Trong cuộc điện đàm, ông Shoukry và ông Cameron đã điểm lại những kết quả của vòng đàm phán mới nhất, vừa được tổ chức ở Cairo, nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trao đổi con tin.
Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động mọi nỗ lực quốc tế để đảm bảo thành công cho quá trình hòa giải hiện nay. Ông cũng kêu gọi các bên thể hiện sự linh hoạt và thực hiện những bước cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận.
Hai ngoại trưởng cũng bàn về các hoạt động quân sự của Israel tại TP Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Ông Shoukry nhấn mạnh những rủi ro nhân đạo thảm khốc đối với tương lai của hơn 1,4 triệu người Palestine và những hậu quả nghiêm trọng của các hành động quân sự mà Israel đang thực hiện tại Rafah.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ai Cập cũng cảnh báo hậu quả leo thang đối với hoạt động sơ tán những người bị thương và tiếp nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp khi Israel kiểm soát khu vực cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, cũng như việc phong tỏa cửa khẩu quan trọng này. Ông nhắc lại quan điểm của Ai Cập không chấp nhận việc cưỡng bức di dời người Palestine.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Ségournet, hai bên đã bàn về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, những diễn biến gần đây trong nỗ lực hòa giải và vòng đàm phán mới nhất do Cairo tổ chức. Hai ngoại trưởng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và tiếp tục tăng cường các động thái quốc tế nhằm hối thúc các bên đạt được thỏa thuận và hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Hai bên cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở tất cả các cửa khẩu biên giới giữa Israel và Dải Gaza, nối lại việc đưa viện trợ nhân đạo vào dải đất đang bị phong tỏa này.
Cũng trong ngày 10/5, Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas cho biết sẽ tham vấn với các phe phái khác của Palestine để xem xét lại chiến lược đàm phán hướng tới đạt được ngừng bắn trong cuộc xung đột hiện nay với Israel.
Tuyên bố của Hamas cáo buộc Israel "lẩn tránh" thỏa thuận ngừng bắn, thể hiện qua việc Israel vẫn tiếp tục các hành động quân sự ở TP Rafah, kiểm soát cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, ngay cả khi Hamas chấp nhận đề xuất của các nhà hòa giải.
Trong một diễn biến liên quan, trong báo cáo công bố ngày 10/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích việc Israel sử dụng vũ khí Mỹ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Israel đã sử dụng vũ khí theo những cách không phù hợp với luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng này.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng không thể đi đến "kết luận cuối cùng" về việc này vì không có đủ bằng chứng, do đó không thể ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho Israel. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed Al Nahyan ngày 11/5 cho biết UAE bác đề xuất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về khả năng nước này tham gia cơ quan quản lý dân sự ở Dải Gaza, hiện do Israel chiếm đóng.
Trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Al Nahyan phát biểu: "UAE bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề xuất UAE tham gia chính quyền dân sự ở Dải Gaza do Israel chiếm đóng. UAE nhấn mạnh rằng Thủ tướng Israel không có thẩm quyền thực hiện bước đi như vậy và UAE từ chối bị lôi kéo vào bất kỳ kế hoạch nào nhằm che đậy sự hiện diện của Israel ở Dải Gaza".
Ông nhấn mạnh rằng giới chức UAE sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho chính quyền Palestine sẽ được thành lập và đáp ứng những hy vọng cũng như nguyện vọng của người dân Palestine.
Hôm 10/5, Thủ tướng Israel B. Netanyahu nói rằng nước này đang xem xét thành lập một chính quyền dân sự như một thỏa thuận sau chiến tranh ở Gaza với sự hỗ trợ của UAE, Saudi Ả-rậpia và các quốc gia khác mong muốn sự ổn định trong khu vực.
UAE là quốc gia có ảnh hưởng và một trong số ít các nước Ả-rập có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Dù vậy, xuyên suốt 7 tháng xung đột Israel - Hamas vừa qua, quan hệ giữa hai nước đã lộ ra nhiều căng thẳng và giới chức UAE đã hạn chế các cuộc đối thoại với Thủ tướng Netanyahu.
Chinh quyền UAE thường xuyên chỉ trích Israel về cuộc chiến ở Gaza và những thiệt hại gây ra do dân thường Palestine do chiến dịch quân sự của Israel gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 10/5, Nam Phi đã đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Israel vào TP Rafah nằm ở phía Nam Gaza. Trong kiến nghị khẩn cấp gửi tòa án, Nam Phi hối thúc ICJ yêu cầu Israel "rút ngay lập tức và ngừng cuộc tấn công quân sự" ở Rafah.
Nam Phi nhấn mạnh rằng Israel phải "ngay lập tức thực hiện mọi biện pháp hiệu quả để đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho LHQ tiếp cận Gaza cũng như các hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ cho người dân Gaza".
Kiến nghị của Nam Phi nêu rõ cuộc tấn công quân sự của Israel vào Rafah "gây rủi ro lớn đối với các nguồn cung cấp nhân đạo và các dịch vụ cơ bản ở Gaza, cũng như sự tồn tại của hệ thống y tế Palestine, sự sống còn của người Palestine ở Gaza".
Do đó, Nam Phi kêu gọi ICJ đưa ra thêm các biện pháp khẩn cấp để "bảo vệ người dân Palestine ở Gaza khỏi những vi phạm nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với các quyền của họ”. Đây là kiến nghị mới nhất mà Nam Phi đưa ra đối với ICJ liên quan đến xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Gaza.
Cũng trong ngày 10/5, Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và ngay lập tức đối với các ngôi mộ tập thể, được cho là chứa hàng trăm thi thể, gần các bệnh viện ở Gaza. Trong thông cáo báo chí, các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin phát hiện các ngôi mộ tập thể ở trong và xung quanh các cơ sở y tế Nasser và Al-Shifa tại Gaza, trong đó chứa hàng trăm thi thể, gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già.
Thông cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc xét xử các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và các nhà điều tra phải được tiếp cận tất cả vị trí các ngôi mộ tập thể ở Gaza để tiến hành điều tra độc lập, kỹ lưỡng, toàn diện, minh bạch và khách quan.
Ngoài ra, các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cũng nhắc lại yêu cầu tất cả các bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Gaza phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ dân thường và các tài sản dân sự.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)