Xung đột Hamas - Israel: Các cựu lãnh đạo thế giới kêu gọi một giải pháp chính trị lâu dài
Tổng thống Mỹ Joe Biden cần nắm bắt 'cơ hội lịch sử' để đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, song kế hoạch này cần một giải pháp chính trị lâu dài cho cả hai bên xung đột.
Lời kêu gọi trên được nhóm The Elders (nhóm tập hợp các cựu lãnh đạo thế giới cùng vận động thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế và hòa bình) đưa ra ngày 16/11.
Trong thư gửi Tổng thống Biden, Chủ tịch The Elders, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson cùng cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon và các nhà cựu lãnh đạo khác cho rằng lịch sử sẽ ghi nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden nếu ông có thể xây dựng một liên minh các đối tác để tìm ra một giải pháp công bằng và đưa ra một kế hoạch khả thi đối với cuộc xung đột Hamas - Israel.
Theo họ, kế hoạch này phải dựa trên giải pháp hai nhà nước, trong đó thừa nhận quyền công bằng của cả người dân Palestine và Israel. Họ cũng lưu ý mọi kế hoạch do Tổng thống Biden thúc đẩy cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, xác định đối tượng sẽ phụ trách kiểm soát Dải Gaza, giải tỏa mối quan ngại an ninh của Israel và phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở đất của người Palestine.
Tuy nhiên, nhóm The Elders cho rằng để xây dựng được một kế hoạch toàn diện như vậy sẽ phải mất nhiều năm và đòi hỏi quyết tâm chính trị to lớn của tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới. Bức thư cũng cảnh báo tình hình bạo lực ở Dải Gaza đang nhen nhóm những hình thức phân biệt đối xử như chủ nghĩa bài Do Thái và Hồi giáo.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Israel khẩn trương hành động nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực chống lại người Palestine ở Bờ Tây.
Ông Blinken đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc điện đàm với lãnh đạo đảng Đoàn kết quốc gia đối lập Benny Gantz, thành viên trong "nội các thời chiến" do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thành lập trong thời gian xung đột với Hamas. Trong cuộc điện đàm, ông Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các bước đi dứt khoát nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Bờ Tây.
Ngoài ra, hai quan chức còn trao đổi về những nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng và đảm bảo trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt cóc.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Blinken cũng đã điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry để thảo luận về nỗ lực gia tăng viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Ông Blinken nhắc lại tầm quan trọng của những biện pháp cụ thể nhằm giảm tối đa thiệt hại đối với dân thường Palestine ở Gaza, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Washington phản đối chính sách buộc người dân Palestine rời bỏ nhà cửa.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố Washington đặc biệt quan ngại trước vụ tấn công nhằm vào một bệnh viện dã chiến của Jordan ở Gaza hôm 15/11 khiến 7 nhân viên y tế bị thương. Ông tái khẳng định quan điểm của Washington rằng các bệnh viện phải được đảm bảo an toàn và không trở thành mục tiêu bị tấn công. Quan chức này nêu rõ tất cả các bên liên quan phải có nghĩa vụ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế là thực hiện các biện pháp phòng ngừa quan trọng nhằm giảm nguy cơ gây tổn hại cho dân thường cũng như triển khai mọi bước đi nhằm giảm thiểu tổn thương cho dân thường.
Trước đó, ngày 13/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi đảm bảo an toàn cho các bệnh viện ở Dải Gaza, đặc biệt bệnh viện Al-Shifa. Đây là bệnh viện lớn nhất tại Gaza, nơi Israel cho rằng có đường hầm đặt trụ sở của lực lượng Hamas và đã mở cuộc vây ráp. Hamas luôn bác bỏ cáo buộc sử dụng bệnh viện này làm căn cứ.