Xung đột Iran-Israel trước nguy cơ leo thang, toan tính và những kịch bản nguy hiểm
Đằng sau cuộc tấn công của Iran, khả năng Israel trả đũa và ngày càng nhiều lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế...
Hamas khởi đầu, Israel đáp trả bằng cuộc chiến tàn khốc. Ten Aviv phóng tên lửa vào khu vực Đại sứ quán Iran tại thủ đô Syria, Teheran lần đầu tiên không kích dữ dội vào lãnh thổ Israel. “Quả bóng lại đến chân” Israel. Ai cũng nói lý của mình. Bên này kích hoạt bên kia, đẩy căng thẳng leo thang theo hình xoắn ốc. Khu vực và thế giới “đứng ngồi không yên”, lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra?
Toan tính của Iran
Tehran nói mình tự vệ và không có lựa chọn nào khác, bởi Tel Aviv đã vượt “lằn ranh đỏ”. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố “Israel phải bị trừng phạt”. Người dân Iran đòi đáp trả. Tehran lùi nữa thì đối phương càng lấn tới. Iran cho rằng đòn tấn công đáp trả ồ ạt vào mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Israel là đủ thị uy sức mạnh, chứng tỏ cho Tel Aviv thấy không phải muốn làm gì cũng được. Đồng thời để giữ thế, cổ vũ các tổ chức Hồi giáo vũ trang được Iran hậu thuẫn tiếp tục phối hợp hành động. Tehran cũng tính rằng Tel Aviv đang tập trung mũi nhọn vào Hamas và các nhóm Hồi giáo vũ trang, chưa muốn mở thêm một cuộc chiến tranh nữa!
Theo tin từ Israel, Mỹ và một số đồng minh, "99%" của khoảng 300 UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo Iran bị đánh chặn bên ngoài lãnh thổ, không có thiệt hại gì đáng kể. Nghĩa là Tel Aviv đã thắng. Điều này không lạ, bởi khả năng của hệ thống lá chắn “Vòm sắt”, lại được Mỹ và đồng minh hỗ trợ (quan chức Mỹ nói chặn khoảng hơn 70 UAV, một số tên lửa).
Thêm nữa, khoảng cách từ Iran đến mục tiêu khá xa, tốc độ của UAV và một số tên lửa không quá lớn, đủ thời gian cho Israel phát hiện, đánh chặn. Bằng cách tuyên bố công khai đáp trả sau khi hết tháng Ramadan, cảnh báo Mỹ, thông báo cho đồng minh trước khi tấn công, có vẻ như Iran muốn “đánh động” đối thủ! Thời điểm và hình thức tấn công không còn bất ngờ, nên hiệu quả khó cao.
Hành động của Iran dường như không đúng với tư tưởng chỉ đạo “bí mật, bất ngờ” của nghệ thuật quân sự. Nhưng chuyên gia lại cho rằng đó là chủ định. Tehran thực hiện được tuyên bố, mà đối thủ không bị thiệt hại nặng, để buộc phải đáp trả bằng cuộc chiến lớn, trực tiếp! Điều này có thể suy diễn từ việc Iran chọn thời điểm tấn công vào đêm, ngày nghỉ cuối tuần; các mục tiêu chủ yếu ở khu vực thưa dân (sa mạc Negeb, cao nguyên Golan…), tránh thiệt hại cho dân thường!
Ngay sau cuộc tấn công, Tehran tuyên bố vụ việc đã khép lại (họ mong như vậy)! Trừ phi Israel đáp trả, thì Iran sẽ sẵn sàng “tiếp đón” với mức độ khủng khiếp hơn. Thực lòng, Iran chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến trực tiếp với Israel, vì khó khăn do lệnh cấm vận, một số vấn đề nội bộ, tránh chịu thêm sức ép, bị quy kết là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh khu vực.
Tehran toan tính vậy, còn xảy ra thế nào tùy thuộc chủ yếu vào hành động tiếp theo của Israel và đồng minh. Tel Aviv sẽ hành động thế nào là câu hỏi khó.
Ba kịch bản
Chưa đầy 24 giờ sau khi Iran tấn công, Nội các chiến tranh của Israel nhóm họp. Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz tuyên bố, sẽ buộc Iran phải trả giá đắt “theo phương thức và thời điểm phù hợp”. Nghĩa là quyết đáp trả mạnh mẽ, nhưng thời điểm và quy mô tấn công, điểm mấu chốt lại chưa thống nhất.
Có nhiều lý do để Tel Aviv phải cân nhắc. Mục tiêu xóa sổ Hamas, giải cứu con tin vẫn dang dở; đa số người dân Israel lo ngại cuộc chiến kéo dài; đồng minh Mỹ khuyên không tấn công lớn đáp trả Iran; dư luận quốc tế có phần dịu hơn với Israel sau vụ tấn công của Tehran… Mở cuộc chiến tranh lớn lúc này, Israel sẽ phải đồng thời đối mặt với nhiều đối thủ, trên nhiều mặt trận.
Chi bằng tập trung xóa sổ Hamas, lần lượt loại từng lực lượng Hồi giáo vũ trang (chia lẻ, bẻ từng chiếc đũa). Lựa thời cơ, bất ngờ cho Iran một đòn sát thương vào mục tiêu quan trọng, các nhân vật chủ chốt, “được miếng mà không mất tiếng”. Còn Iran đau mà không làm gì được. Tuy nhiên, không đáp trả ngay, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ gặp chống đối mạnh mẽ từ phe đối lập.
Tình hình như vậy, có thể dự báo 3 kịch bản:
Một là, Israel tiếp tục duy trì xung đột như hiện nay, kết hợp đòn tấn công quân sự với tấn công ngoại giao, chính trị, kinh tế, cô lập Iran. Mục tiêu tấn công chủ yếu là lực lượng Iran ngoài lãnh thổ và Hamas cùng các tổ chức Hồi giáo vũ trang thân Tehran. Tuyên bố chiến thắng cuộc tấn công của Iran, có thể là cách biện minh việc Israel chưa cần đáp trả ngay. Các tổ chức Hồi giáo vũ trang tiếp tục hoạt động chống Israel, duy trì cuộc chiến ủy nhiệm.
Hai là, Israel ra đòn tấn công vào một số mục tiêu quan trọng trong và ngoài lãnh thổ Iran, nhất là khu vực bố trí lực lượng Vệ binh Cộng hòa, triển khai vũ khí tập kích đêm 1/4 và các cơ sở công nghiệp quốc phòng vào thời điểm thích hợp, kết hợp tấn công trên các lĩnh vực khác. Đòn tấn công bất ngờ, gây thiệt hại lớn cho đối thủ nhưng quy mô chưa đến mức kích hoạt cuộc tranh chiến lớn. Đây là kịch bản được cho là nhiều khả năng nhất.
Ba là, Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Iran và các tổ chức Hồi giáo vũ trang thân Tehran. Chiến tranh bùng phát, có nguy cơ lan rộng, lôi kéo một số quốc gia trong và ngoài khu vực tham gia. Đây là kịch bản nguy hiểm nhất, khi các nhà lãnh đạo tính toán chiến lược sai lầm, đẩy Trung Đông đến bờ vực, khiến cộng đồng quốc tế “đứng ngồi không yên”.
Nỗi lo không của riêng ai
Đồng minh của Israel lên án mạnh mẽ Iran, kêu gọi Liên hợp quốc trừng phạt. Đa số quốc gia bày tỏ quan ngại bạo lực leo thang căng thẳng, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, thực hiện nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại Dải Gaza. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo hành động trả đũa bằng sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế, có thể dẫn đến “sự leo thang tàn khốc”, việc cần làm ngay là “tháo ngòi nổ và xuống thang”.
Cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình có thể leo thang vượt tầm kiểm soát, không chỉ lôi kéo Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực, mà còn khiến giá dầu tăng vọt, thúc đẩy chạy đua vũ trang, toàn cầu càng bất ổn, như lời Tổng thư ký Antonio Guterres, thế giới không thể chịu đựng thêm một cuộc chiến tranh nào nữa.
Mỹ là đồng minh lớn nhất, quyết bảo vệ Israel, nhưng Tổng thống Joe Biden cũng nhắn Thủ tướng Benjamin Netanyahu cần “suy nghĩ cẩn thận và có chiến lược”, đồng thời, bày tỏ Washington sẽ không trực tiếp tham gia cuộc tấn công Iran. Điều đó không quá ngạc nhiên. Đang nặng gánh với cuộc chiến ở Ukraine, quyết không để Nga thắng, Tổng thống Mỹ không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh mới; binh sĩ Mỹ ở khu vực có thể trở thành mục tiêu tấn công, nguy cơ mất phiếu, khi ngày bầu cử không còn xa.
Nguy cơ cuộc chiến giữa Iran và Israel bùng phát, lan ra khu vực, là mối lo không của riêng ai. Có điều, mỗi nước, mỗi bên mang theo những mục tiêu, toan tính khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trung Đông, từ lâu đã chằng chéo các mối quan hệ, mâu thuẫn phức tạp, giữa các nước với nhau và giữa các nước lớn bên ngoài khu vực với các nước, nhóm nước bên trong. Cuộc đối thoại bước đầu giữa các quốc gia từng là đối thủ, như làn gió nhẹ, chưa kịp làm dịu bầu không khí nóng, thì xung đột giữa Hamas với Israel và Israel với Iran nổ ra, khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
Tờ New York Times đưa tin, sau cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel nói sẽ không trả đũa vụ tập kích đường không của Iran ngay lập tức. Có thể tạm thở phào nhẹ nhõm, nếu tin đó được các bên xác nhận. Theo Bộ trưởng Benny Gantz, Israel cần “xây dựng một liên minh khu vực” vững chắc. Hàm ý là được các đồng minh, đặc biệt là Mỹ hỗ trợ, để có thể tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Iran.
Nghĩa là ngòi nổ chưa được tháo. Nguy cơ Trung Đông bị đẩy đến bờ vực chỉ tạm lắng. Tiếp theo chưa biết sẽ thế nào. Bởi cả hai vẫn coi nhau là kẻ thù không đội trời chung, những vấn đề của khu vực Trung Đông còn nguyên vẹn. “Lò lửa vẫn âm ỉ”, sẽ bùng cháy nếu ai đó tính toán sai lầm. Mà điều này vẫn thường xảy ra.